Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 1 và giai đoạn 2 được triển khai thực hiện từ năm 2001-2015 với tổng số 976/977 dự án đã hoàn thành (đạt tỷ lệ 99,9%), trong đó có 857 cụm, tuyến dân cư và 119 bờ bao khu dân cư có sẵn đã đảm bảo cho khoảng 191.000 hộ dân, với gần 1 triệu người dân vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long được sống an toàn ổn định. Hầu hết các địa phương thực hiện đạt mục tiêu yêu cầu đề ra.
Tại Hội nghị tổng kết Chương trình giai đoạn 2 (ngày 10/4/2015) do Thủ tướng Chính phủ chủ trì với sự tham gia của các Bộ, ngành và địa phương thuộc Chương trình, các đại biểu tham dự đều đánh giá Chương trình đã mang lại hiệu quả cao, tạo cơ sở ban đầu để thực hiện quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá nông thôn, góp phần quan trọng vào việc phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo nên các khu dân cư có đời sống vật chất và tinh thần càng ngày càng tốt hơn. Thực tế, qua các trận lũ lớn, đặc biệt trong năm 2011 xuất hiện trận lũ rất lớn (nhiều nơi mức ngập cao hơn mức ngập của trận lũ lịch sử năm 1961 và năm 2000) cho thấy hầu hết các cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư thuộc Chương trình giai đoạn 1 và giai đoạn 2 vẫn đảm bảo an toàn; thiệt hại về người và tài sản trong trận lũ năm 2011 chỉ bằng khoảng 1/10 so với năm 2000. Hội nghị tổng kết Chương trình giai đoạn 2 đã khẳng định:
Chương trình đã đạt được mục tiêu tổng quát đề ra, đảm bảo cho các hộ dân trong vùng có điều kiện sinh sống an toàn, ổn định và từng bước tiến tới phát triển bền vững, bảo đảm điều kiện để người dân chung sống với lũ.
Tại Thông báo số 156/TB-VPCP ngày 27/4/2015 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan rà soát cụ thể số hộ phát sinh có hoàn cảnh tương tự đối tượng thuộc Chương trình giai đoạn 2; tổng hợp, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp tục đầu tư các cụm, tuyến dân cư, giải quyết nhu cầu ổn định chỗ ở cho các hộ dân ở vùng ngập lũ, vùng sạt lở nguy hiểm.
Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đã xây dựng cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện giai đoạn 2016-2020 và trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 29/TTr-BXD ngày 07/4/2016. Theo đó, có 05 địa phương có nhu cầu đầu tư bổ sung 130 dự án để đảm bảo cho 44.811 hộ dân có chỗ ở an toàn, ổn định.
Để đánh giá hiệu quả sử dụng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long, tránh tình trạng đầu tư sử dụng kém hiệu quả, gây lãng phí, trong thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng đã lập Đoàn công tác liên ngành gồm đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội đến kiểm tra thực tế tại một số cụm tuyến dân cư và làm việc với Ban chỉ đạo Chương trình tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ từ ngày 11/12/2016 đến hết ngày 16/12/2016.
Qua kiểm tra, rà soát thực tế tại các cụm, tuyến dân cư được xây dựng trong giai đoạn 2001-2015 cho thấy tỷ lệ số hộ dân đã vào ở trong cụm, tuyến dân cư đạt khoảng 87,4% (khoảng 127.000 hộ); tỷ lệ hộ đã nhận lô nền nhà, nhưng chưa xây nhà để ở là 7,7%; tỷ lệ hộ đã làm nhà ở, nhưng đã rời khỏi cụm tuyến dân cư là 2% (bao gồm những hộ đi làm ăn xa chỉ về nhà vào dịp lễ, tết); tỷ lệ hộ xin trả lại lô nền và nhà ở là 0,5%. Nhiều cụm, tuyến dân cư đã trở thành các thị trấn, thị tứ có dân cư sinh sống đông đúc, một số cụm tuyến dân cư có vị trí thuận lợi đã phát triển mạnh và trở thành một phần của thị xã, thành phố lân cận. Tuy nhiên, tại tỉnh Long An có một vài cụm, tuyến dân cư được đầu tư xây dựng tại giai đoạn 1 có tỷ lệ nhà ở bỏ trống và số lô nền để hoang hóa (chưa xây nhà) cao (khoảng 50%); thành phố Cần Thơ đầu tư 03 cụm, tuyến dân cư tại giai đoạn 2 nhưng tỷ lệ hộ dân về ở đạt tỷ lệ thấp (khoảng 34%).
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là do người dân sống trong cụm, tuyến dân cư thiếu công ăn việc làm, bỏ đi làm ăn xa hoặc về nơi cũ sinh sống, một số hộ có đất canh tác ở xa nơi ở mới đã rời bỏ nhà ở tại cụm, tuyến dân cư để trở về sống tại nhà cũ (do những năm gần đây mực nước lũ không cao); vị trí xây dựng một số cụm tuyến dân cư chưa hợp lý, không thuận tiện cho việc sinh hoạt của người dân; việc xây dựng nhà ở theo mẫu quy định tại một số thời điểm đã không phù hợp với thị hiếu, phong tục, tập quán của người dân địa phương; hạ tầng kỹ thuật tại một số cụm tuyến dân cư chưa hoàn chỉnh (thiếu hệ thống thoát nước thải, đường giao thông chưa được trải nhựa...); thiếu hạ tầng xã hội (chợ, trường học, trung tâm y tế, nhà văn hóa...); một số cụm, tuyến dân cư có suất đầu tư tôn nền cao nên người dân không có đủ khả năng chi trả; một số địa phương rà soát số lượng đối tượng không chính xác dẫn tới thừa lô nền chính sách...
Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì Chương trình đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra, khoảng 191.000 hộ dân vùng ngập lũ được bố trí chỗ ở ổn định, hạn chế được thiệt hại trong mùa mưa lũ, nhất là thiệt hại về người và góp phần ổn định sản xuất. Với trách nhiệm của mình, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những tồn tại của giai đoạn 2001-2015 cũng như báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nhu cầu bổ sung cụm tuyến dân cư giai đoạn 2016-2020 để đảm bảo hiệu quả đầu tư, phù hợp với tình hình thực tế và tránh tình trạng gây lãng phí như kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 479/BXD-QLN.