Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên gửi tới Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XIV

Thứ sáu, 17/02/2017 08:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 15/02, Bộ Xây dựng đã có công văn 243/BXD-QLN trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên gửi tới Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XIV với 03 nội dung cụ thể như sau:  

1. Đề nghị tiếp tục cho kéo dài thực hiện chính sách hỗ trợ cho các dự án phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, giai đoạn 2016-2020 để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

2. Đề nghị bổ sung cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng cơ sở nhà ở xã hội

3. Đề nghị bổ sung kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương để tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ xây dựng các dự án ngoài hàng rào dự án nhà ở xã hội, xây dựng hạ tầng các dự án tái định cư, nhà ở công nhân cho các Khu công nghiệp do Nhà nước là chủ đầu tư (KCN Điềm Thụy-phần diện tích 180ha, KCN Sông Công II).

1. Về nội dung thứ nhất:

Để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới, Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (kể cả quỹ đất để xây dựng các công trình kinh doanh thương mại trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội); được miễn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp (trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được giảm tới 70% thuế suất thuế VAT và thuế TNDN); được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam (trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn ưu đãi đầu tư với thời hạn tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 20 năm); được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội (trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí này); được miễn thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với các dự án áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở xã hội, được áp dụng hình thức tự thực hiện đối với công tác tư vấn, thi công xây lắp v.v...

Đối với hộ gia đình, cá nhân có thu nhập thấp khó khăn về nhà ở được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Riêng về nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, pháp luật về nhà ở đã quy định: vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, gồm vốn do Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội; vốn do Nhà nước cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định (Khoản 4 Điều 70 của Luật Nhà ở năm 2014). Đồng thời quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

Tiếp theo, tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất báo cáo Chính phủ bổ sung Chương trình phát triển nhà ở xã hội vào danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Trung ương để Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, bố trí vốn thực hiện ngay trong kế hoạch từ năm 2017. Trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Với trách nhiệm của mình, Bộ Xây dựng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để sớm bố trí nguồn vốn tiếp tục thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

2. Về nội dung thứ hai và thứ ba:

Về đề nghị bổ sung cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng cơ sở nhà ở xã hội, các dự án tái định cư, nhà ở công nhân cho các Khu công nghiệp thì Luật nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định tùy theo điều kiện của địa phương, UBND cấp tỉnh thực hiện hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí này (điểm d khoản 1 Điều 58 Luật Nhà ở và khoản 4 Điều 9 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ).

Tiếp theo, tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể: giao cho các địa phương phải bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hoá, thể dục, thể thao,... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động; Có các cơ chế, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn…

Việc đề nghị bổ sung kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương để tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ xây dựng các dự án ngoài hàng rào dự án nhà ở xã hội, xây dựng hạ tầng các dự án tái định cư, nhà ở công nhân cho các Khu công nghiệp do Nhà nước là chủ đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét ý kiến này, trường hợp ngân sách của Tỉnh không có khả năng đáp ứng thì báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, lập kế hoạch bố trí nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo quy định của Luật Đầu tư công.



Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 243/BXD-QLN. 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)