Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Hà Tĩnh về việc "điều chỉnh lộ trình áp dụng Thông tư 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng về quy định sử dụng vật liệu xây không nung…"
Thứ sáu, 12/07/2013 17:04
Ngày 12/7, Bộ Xây dựng đã có công văn 1429/BXD-VLXD trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Hà Tĩnh về việc “Đề nghị điều chỉnh lộ trình áp dụng Thông tư 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng về quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng đảm bảo phù hợp với thực tế và khả năng đáp ứng của nguồn vật liệu không nung”.
Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 (Chương trình 567) đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 567/QĐ- TTg này 28/4/2010 (Quyết định 567) đến nay đã được 3 năm. Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình, nhiều địa phương và các doanh nghiệp hưởng ứng rất tích cực và đã đạt được được kết quả khá tốt. Đến nay, trên phạm vi toàn quốc đã đầu tư các dây chuyền sản xuất vật liệu xây không nung (VLXKN) với tổng công suất khoảng 5,5 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC), chiếm 27% so với sản lượng vật liệu xây sản xuất năm 2012 (sản lượng vật liệu xây năm 2012 khoảng 20 tỷ viên QTC). Trong đó gạch xi măng cốt liệu là 4,5 tỷ viên và gạch bê tông nhẹ là 1 tỷ viên. Như vậy sau gần ba năm thực hiện Chương trình 567, việc đầu tư sản xuất VLXKN nhìn chung là rất khả quan, đạt mục tiêu đề ra (mục tiêu của Chương trình là tới năm 2015, sản xuất và sử dụng 20-25% VLXKN trong tổng số vật liệu xây).
Việc ban hành Thông tư 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng về quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng (Thông tư 09) là bước triển khai thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ đã giao tại Quyết định 567 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 14/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung. Trong đó quy định phạm vi bắt buộc chỉ đối với các công trình có vốn nhà nước với tỷ lệ 100% tại các đô thị lớn (loại 3 trở lên) và tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%; Đối với các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, chỉ quy định sử dụng tối thiểu 30% từ nay đến năm 2015 và sau năm 2015 tối thiểu là 50% (tính theo thể tích khối xây).
Theo tính toán, vật liệu xây trong các công trình có vốn nhà nước chỉ chiếm khoảng 20-25% trong tổng số vật liệu xây. Trong khi đầu tư nhà máy sản xuất VLXKN loại gạch xi măng cốt liệu chỉ mất thời gian ngắn, mức đầu tư không lớn. Nếu địa phương có những chính sách khuyến khích trong đầu tư sản xuất VLXKN thì chỉ trong thời gian ngắn các nhà đầu tư sẽ hoàn thành và có sản phẩm để phục vụ theo nhu cầu.
Tới thời điểm hiện nay, một số địa phương báo cáo có sản lượng sản xuất VLXKN chưa đáp ứng yêu cầu và kiến nghị lùi thời gian thực hiện Thông tư 09. Trên cơ sở xem xét điều kiện cụ thể của từng địa phương (nguồn nguyên liệu, nhu cầu xây dựng, kiểm tra thực tế năng lực sản xuất VLXKN, vật liệu nung...), Bộ Xây dựng sẽ có văn bản thống nhất như lộ trình Thông tư 09.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1429/BXD-VLXD.