Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 12-16/7/2021

Thứ hai, 19/07/2021 14:17
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Tận dụng “giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng” để dập dịch nhanh nhất, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân; hỗ trợ tối đa TPHCM và một số tỉnh thành phía Nam; bảo đảm công tác đặc xá thực hiện thống nhất, an toàn, công khai, minh bạch; rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật gây vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh;...là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 12-16/7/2021.

Ảnh minh họa

Tập trung cao nhất phòng, chống dịch COVID-19, triển khai hiệu quả chiến lược vaccine

Tại Nghị quyết số 75/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2021 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm “5K + vaccine” và tăng cường ứng dụng công nghệ trong kiểm soát dịch bệnh với cách làm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”.

Tập trung xây dựng, triển khai chiến lược vaccine phòng COVID-19 trong ngắn, trung hạn và dài hạn; mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể, bảo đảm chất lượng vaccine; đa dạng hóa nguồn cung gắn với cơ chế kiểm soát phù hợp. Thúc đẩy chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước nhanh nhất, sớm nhất; triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine toàn quốc an toàn, hiệu quả để sớm đạt miễn dịch cộng đồng; ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng theo quy định.

Bộ Y tế hướng dẫn các phương thức, điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí cách ly phù hợp như: Quy trình cách ly tại nhà đối với F1, việc tự xét nghiệm; chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, các bộ, cơ quan liên quan xây dựng phương án nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, mở cửa nền kinh tế với lộ trình phù hợp; có chính sách, giải pháp thiết thực hỗ trợ, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Tận dụng “giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng” để dập dịch nhanh nhất, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân

Theo Thông báo 186/TB-VPCP ngày 15/7/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh và 26 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung phân tích, đánh giá, dự báo, nhận định rõ những vấn đề phát sinh để chuẩn bị tốt hơn, có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đầy đẩy lùi dịch bệnh. Chúng ta cần tận dụng “giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng” để thực hiện nghiêm các quy định, nhiệm vụ hiệu quả hơn, nhanh nhất có thể để khoanh vùng, cách ly tập trung, dập dịch và tích cực điều trị, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Hỗ trợ tối đa TPHCM và một số tỉnh thành phía Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai một số biện pháp cấp bách hỗ trợ kịp thời Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân và duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội cần thiết trên địa bàn.

Chính phủ đồng ý đàm phán mua 40 triệu liều vaccine Sputnik V

Tại Nghị quyết số 73/NQ-CP, Chính phủ đồng ý theo đề xuất của Bộ Y tế: Có văn bản giới thiệu Tập đoàn T&T với Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga (RDIF) để đàm phán, mua 40 triệu liều vaccine Sputnik V của Liên bang Nga bằng nguồn kinh phí hợp pháp do Tập đoàn T&T huy động (không sử dụng kinh phí nguồn ngân sách Nhà nước và Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam). Thực hiện việc cấp phép nhập khẩu, kiểm định, kiểm soát chất lượng vaccine, tổ chức tiêm miễn phí toàn bộ 40 triệu liều vaccine nêu trên theo quy định.

Các tỉnh, thành phố được thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà

Theo văn bản 4638/VPCP-KGVX ban hành ngày 12/7/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà đảm bảo an toàn. Căn cứ phản hồi của các tỉnh đang thực hiện, Bộ Y tế rà lại hướng dẫn cho sát với thực tiễn.

Bảo đảm công tác đặc xá thực hiện thống nhất, an toàn, công khai, minh bạch

Tại Công điện số 941/CĐ-TTg ban hành ngày 10/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan đã nêu trong Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công; tổ chức phổ biến, quán triệt, bảo đảm công tác đặc xá thực hiện thống nhất, an toàn, công khai, minh bạch, theo quy trình chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng điều kiện quy định pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, sai sót.

Đặc biệt, đợt đặc xá này được tiến hành trong điều kiện tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Do vậy, Bộ Công an cần chỉ đạo các Tổ thẩm định liên ngành, các cơ sở giam giữ có phương án, biện pháp cần thiết, phù hợp theo đúng quy định để phòng, chống dịch COVD-19 có hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Sở y tế, các bệnh viện, trung tâm y tế phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các cơ sở giam giữ thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời có phương án cụ thể tiếp nhận người được đặc xá về địa phương, bảo đảm an toàn theo đúng quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng chỉ thị phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH

Ngày 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và Kế hoạch 5 năm (2021-2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của địa phương, đơn vị, phát động các phong trào thi đua phù hợp với từng lĩnh vực của đời sống xã hội, các vùng miền, tầng lớp nhân dân, gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thi đua xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội...; thi đua phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; thi đua thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; thi đua xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...

Nghị định mới về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trong đó quy định rõ nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại, hoặc xây dựng công trình khác và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.

Cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030 tập trung vào 6 nội dung

Theo Nghị quyết số 76/NQ-CP Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030, cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030 tập trung vào 6 nội dung, đó là: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Trọng tâm cải cách hành chính 10 năm tới là: Cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước, trong đó, chú trọng cải cách chính sách tiền lương; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Tiếp tục hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích

Thủ tướng Chính phủ quyết định tiếp tục thực hiện trong năm 2021 một số nội dung của Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24/7/2015 và sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 868/QĐ-TTg ngày 16/7/2018.

Phê duyệt danh sách dân tộc còn nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù

Thủ tướng ban hành Quyết định số 1227/QĐ-TTg phê duyệt danh sách 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và 14 dân tộc có khó khăn đặc thù sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Theo danh sách, 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn bao gồm: La Hủ, Phù Lá, La Chí, Kháng, Hà Nhì, Xinh-mun, Co, Ta-ôi, Cơ-tu, Khơ-mú, Bru-Vân Kiều, Mnông, Ra-glai, Xơ-đăng, Hmông, Xtiêng, Gia-rai, Dao, Nùng, Tày, Sán Chay, Lào, Giáy, Giẻ-Triêng, Mường, Ba-na, Hrê, Chăm, Ê-đê, Cơ-ho, Khơ-me, Mạ.

14 dân tộc có khó khăn đặc thù gồm: Ơ-đu, Brâu, Rơ-măm, Pu Péo, Si La, Cống, Bố Y, Cơ Lao, Mảng, Lô Lô, Chứt, Lự, Pà Thẻn, La Ha.

Rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật gây vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát ngay các vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, đất đai, quy hoạch, quản lý tài sản công, thuế,... khẩn trương đề xuất phương án xử lý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Chương trình phát triển thị trường KHCN quốc gia

Theo Quyết định số 1158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030, Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, giá trị giao dịch hàng hóa khoa học và công nghệ (KHCN) hàng năm tăng mạnh, bình quân đạt 30%, trên 35% đối với một số lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tỉ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt trên 20%, tỉ trọng giao dịch các công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt 35%. Tỉ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tăng trưởng 9%-11%

Quyết định 1162/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 (Chương trình) đặt mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2025 đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9%-11% hằng năm trong giai đoạn 2021-2025; phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Tăng dần tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực thương mại trong nước vào GDP của cả nước

Theo Quyết định 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, định hướng chủ yếu phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước; củng cố, thiết lập trật tự thị trường thích ứng với bối cảnh, tình hình mới, từng bước phát triển thương mại trong nước ổn định và bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng thương mại trong nước cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP; tăng dần tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực thương mại trong nước vào khu vực dịch vụ và GDP của cả nước.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)