Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 5-9/7/2021

Thứ hai, 12/07/2021 15:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19; quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, sử dụng hiệu quả sức mạnh tổng lực để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại TPHCM và các tỉnh lân cận; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật; nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 5-9/7/2021.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp ở TPHCM và lây lan khá nhanh ra một số địa phương khác, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo "nóng" về phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng ra Công điện trước tình hình dịch bệnh rất phức tạp ở TPHCM

Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 914/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện mục tiêu kép.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo và các hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch với tinh thần chủ động, quyết liệt, mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép. Thực hiện nghiêm các giải pháp ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị tích cực. Đặc biệt lưu ý thực hiện các quy định về giãn cách, khoanh vùng; tránh tình trạng khoanh rộng bên ngoài, lỏng lẻo bên trong; phải tổ chức tốt việc cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế, giãn cách xã hội.

UBND TPHCM tăng cường chỉ đạo các biện pháp mạnh mẽ, dứt khoát, triệt để hơn nhằm sớm cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, khống chế các ổ dịch.

Quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, sử dụng hiệu quả sức mạnh tổng lực để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại TPHCM và các tỉnh lân cận

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với TPHCM và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tại Thông báo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bảo đảm mục tiêu kép là nhiệm vụ nhất quán nhưng khi cần thiết và nhất là trong lúc này, tính mạng và sức khỏe của nhân dân vẫn luôn phải là trên hết, trước hết. Cần quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, sử dụng hiệu quả sức mạnh tổng lực để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại TPHCM và các tỉnh lân cận.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý để TPHCM áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg

Ngay sau khi UBND TPHCM có đề nghị về việc áp dụng thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý TPHCM áp dụng có Dự lệnh Chỉ thị 16/CT-TTg.

Thủ tướng yêu cầu Thường trực Thành uỷ Thành phố cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, kịp thời chỉ đạo cấp uỷ và chính quyền các cấp, căn cứ chức năng và nhiệm vụ được giao, bám sát tình hình dịch bệnh và đặc điểm của từng địa bàn để tổ chức triển khai kịp thời đúng quy định, hiệu quả trên tinh thần "có kế thừa, có đổi mới; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện mở rộng dần; không cầu toàn, không nóng vội”, liên tục cập nhật thực tế diễn biến tình hình để chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện; đồng thời tiếp tục rút kinh nghiệm bổ sung, hoàn thiện các quy trình, thủ tục phòng, chống dịch cho phù hợp với thực tiễn…

Quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại TPHCM và các tỉnh trong thời gian sớm nhất

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 181/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo TPHCM về công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

Thông báo nêu rõ, việc áp dụng Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn Thành phố từ ngày 9/7/2021 đã được Thường vụ Thành ủy, Thường trực Chính phủ cân nhắc thận trọng trước khi quyết định. Đây là quyết định rất khó khăn nhưng cần thiết và phù hợp với diễn biến tình hình.

Mục tiêu thống nhất của Chính phủ và Thành ủy TPHCM trong thời gian tới là: (i) Quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại Thành phố và các tỉnh trong thời gian sớm nhất; (ii) Chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết; (iii) không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm tối thiểu, thiết yếu, không để xáo trộn lớn đời sống nhân dân; điều trị tích cực, cứu chữa người mắc bệnh COVID-19, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất có thể các trường hợp tử vong (tốt nhất không để xảy ra tử vong).

Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục ưu tiên phân bổ vaccine hiện có cho Thành phố và các tỉnh lân cận; Bộ Y tế, UBND Thành phố phải tổ chức tiêm nhanh chóng, kịp thời, an toàn, hiệu quả.

Các lực lượng phải phối hợp hiệu quả, chặt chẽ trong thực hiện các khâu từ xét nghiệm, khoanh vùng, phong tỏa, cách ly, điều trị, tránh trùng lắp. Bộ trưởng Bộ Y tế phải rà soát, cần thiết có hướng dẫn cụ thể về các nội dung chuyên môn như xét nghiệm, cách ly, truy vết, điều trị... phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh do biến chủng mới có độ nguy hiểm rất cao và đặc thù của Thành phố.

Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động nghỉ việc không lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc...

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật

Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ: Công tác xây dựng thể chế, pháp luật là một trong ba đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các cấp cần tập trung cao cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Các bộ, cơ quan cần tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện các giải pháp để khắc phục triệt để những bất cập, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, tạo chuyển biến quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng bộ, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng pháp luật.

Chính phủ nhấn mạnh song song với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, toàn diện, kịp thời, hiệu quả, công tác tổ chức thực thi pháp luật phải được coi trọng và thực hiện nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả…

Thủ tướng chỉ thị nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, trong đó tập trung công tác tập huấn kiến thức, kỹ năng và từng bước trang bị công cụ, phương tiện cần thiết

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng và ban hành bộ tài liệu tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng cho lực lượng xung kích; tiếp tục phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan xây dựng các mô hình điểm Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã đại diện cho các vùng miền và chỉ đạo triển khai nhân rộng…

Các biện pháp áp dụng trong tình huống khẩn cấp về thiên tai

Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Nghị định quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm huy động các nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Các biện pháp chính gồm:

1- Huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ, cứu nạn; tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn; nhanh chóng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm; bố trí bảo đảm hậu cần cho nhân dân tại nơi sơ tán;

2- Tổ chức việc tiếp nhận, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân; huy động các cơ sở khám chữa bệnh tham gia cứu chữa cho người bị nạn;

3- Cấp phát miễn phí lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để giúp nhân dân xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, ổn định đời sống nhân dân trong quá trình ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai;

4- Huy động mọi nguồn lực (bao gồm cả nguồn lực từ Quỹ phòng, chống thiên tai) để xử lý khẩn cấp sự cố công trình phòng chống thiên tai, sự cố công trình xây dựng do thiên tai;

5- Các biện pháp cần thiết khác;

6- Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của các bộ, ngành, địa phương, chủ tịch UBND cấp tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ theo thẩm quyền.

Tiêu chí phân loại DNNN thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg quy định Tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), DN có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.

Quyết định nêu rõ tiêu chí phân loại theo ngành, lĩnh vực đối với DNNN, DN có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn như sau:

Những DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động trong 13 ngành, lĩnh vực: Đo đạc bản đồ phục vụ quốc phòng, an ninh; sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và cung ứng dịch vụ nổ mìn có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam; truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia và quản lý lưới điện phân phối, xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về điện lực; kinh doanh xổ số; in, đúc tiền, sản xuất vàng miếng và các vật phẩm lưu niệm bằng vàng; tín dụng chính sách phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo hiểm tiền gửi và mua bán, xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng;...

Những DN thực hiện chuyển đổi sở hữu, thoái vốn, Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên, hoạt động trong 7 ngành, lĩnh vực: Quản lý khai thác các cảng hàng không, sân bay; dịch vụ khai thác khu bay; khai thác khoáng sản quy mô lớn theo quy định hiện hành về phân loại quy mô mỏ khoáng; tài chính, ngân hàng (không bao gồm bảo hiểm, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính)...

Rà soát các mỏ, bảo đảm đủ vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Tại Thông báo 179/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh khẩn trương rà soát mỏ vật liệu trên địa bàn, cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, bảo đảm cung cấp đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công Dự án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021; tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư, bàn giao mặt bằng phần khối lượng còn lại (2,2%) theo đúng cam kết cho các nhà thầu thi công (chậm nhất ngày 30/7/2021), không để phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.

Bộ Xây dựng khẩn trương xem xét, xử lý các kiến nghị giá cả vật liệu xây dựng, giá thép, có văn bản hướng dẫn kịp thời theo quy định.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)