Ảnh minh họa
Một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản
Ngày 04/06/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.
Để khắc phục những tồn tại và đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó, ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới và là một trung tâm chế biến sâu và logistic của thương mại nông sản toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, thực hiện các định hướng về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.
Tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp
Ngày 24/06/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2020 (Kỳ thi).
Chỉ thị nêu rõ, để Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2020 được triển khai nghiêm túc, trung thực, công bằng, an toàn, thiết thực, hiệu quả, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh trong điều kiện còn nguy cơ của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) tập trung thực hiện những công việc trọng tâm.
Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chung về Kỳ thi và ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh; chủ động xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; ra đề thi đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi; cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các quy định, thông tin cần thiết về Kỳ thi và công tác tuyển sinh; giải đáp kịp thời những xbăn khoăn, thắc mắc của thí sinh và người dân về những nội dung liên quan đến Kỳ thi và tuyển sinh; xây dựng hệ thống phần mềm dùng chung bảo đảm thống nhất, thuận lợi trong quá trình tổ chức thi ở các địa phương; hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện công tác tuyển sinh theo tinh thần tự chủ và trách nhiệm giải trình; phân tích dữ liệu quốc gia về kết quả thi và kết quả học tập của học sinh toàn quốc; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của Kỳ thi để bảo đảm an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan; ngăn chặn gian lận, tiêu cực, vi phạm quy chế.
Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực
Ngày 24/06/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 99/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực. Nghị quyết nêu rõ các ngành, lĩnh vực cần tập trung phân cấp quản lý nhà nước trong thời gian tới. Cụ thể, hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ đối với lĩnh vực nội vụ gồm: Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập và tiền lương.
Đồng thời, hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ với UBND cấp tỉnh đối với 10 ngành, lĩnh vực sau: 1- Ngành, lĩnh vực nội vụ gồm: Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, vị trí việc làm; 2- Ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường gồm: Biển và hải đảo; 3- Ngành, lĩnh vực thông tin và truyền thông gồm: Phát thanh và truyền hình; 4- Ngành, lĩnh vực văn hóa gồm: Điện ảnh; 5- Ngành, lĩnh vực y tế gồm: Khám bệnh, chữa bệnh; 6- Ngành, lĩnh vực xây dựng gồm: Hoạt động đầu tư xây dựng; kiến trúc; quy hoạch; phát triển đô thị; 7- Ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ gồm: Hoạt động khoa học và công nghệ; 8- Ngành, lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội gồm: Quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; an toàn, vệ sinh lao động; 9- Ngành, lĩnh vực tài chính gồm: Thu ngân sách nhà nước; chi ngân sách nhà nước; quản lý nợ công; phí và lệ phí; tài sản công; 10- Ngành, lĩnh vực kế hoạch và đầu tư gồm: Quản lý đầu tư; đầu tư công; đầu tư nước ngoài.
Nghị định về vị trí việc làm và biên chế công chức
Ngày 01/06/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức. Nghị định quy định các cơ quan, tổ chức xác định vị trí việc làm cho công chức phải căn cứ vào: 1- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức; 2- Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Vị trí việc làm được phân loại theo khối lượng công việc; theo tính chất, nội dung công việc.
Cơ quan, tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bộ, ngành, địa phương) căn cứ vào quy định trên và văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về vị trí việc làm để xây dựng đề án vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức mình, gửi cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ về tổ chức cán bộ của bộ, ngành, địa phương thẩm định và trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Quy định mới về điều kiện công nhận kho ngoại quan
Ngày 15/06/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 67/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan.
Trong đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định điều kiện công nhận kho ngoại quan. Cụ thể, kho ngoại quan phải đáp ứng điều kiện như: khu vực đề nghị công nhận kho, bãi ngoại quan phải nằm trong khu vực quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Hải quan hoặc khu kinh tế cửa khẩu hoặc khu vực được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics; kho, bãi ngoại quan được ngăn cách với khu vực xung quanh bằng tường rào, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan, trừ kho nằm trong khu vực cửa khẩu, cảng đã có tường rào ngăn cách biệt lập với khu vực xung quanh;.,
Quy định mới về tổng chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Ngày 24/06/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Theo đó, Nghị định quy định tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ (theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế).
Tăng số lượng tối đa Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn loại II
Ngày 24/06/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/1/2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND.
Cụ thể, Nghị định số 69/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 7 về số lượng tối đa Phó Chủ tịch UBND ở các đơn vị hành chính của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP. Theo đó, số lượng Phó Chủ tịch UBND ở đơn vị hành chính cấp xã được quy định như sau:
- Đối với đơn vị hành chính ở nông thôn: Xã loại I, loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND (hiện quy định xã loại II chỉ được có 01 Phó Chủ tịch UBND); xã loại III có 1 Phó Chủ tịch UBND.
- Đối với đơn vị hành chính ở đô thị: Phường, thị trấn loại I, loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND (hiện hành quy định phường, thị trấn loại IIchỉ được có 01 Phó Chủ tịch UBND); phường, thị trấn loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.
Mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Ngày 28/06/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020.
Theo Nghị định, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự được sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện như sau: Từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/2/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương.
Từ ngày 1/1/2021 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/2/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương.
Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử
Ngày 03/06/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu cơ bản đến năm 2030, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp 100% trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước)... Ngoài ra, Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).
Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ
Ngày 23/06/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030. Mục tiêu nhằm phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 1% tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực như: lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, chè, hồ tiêu, cà phê, điều, dừa...
Khu vực cấm, hạn chế bay đối với tàu bay không người lái
Quyết định số 18/2020/QĐ-TTg ban hành ngày 10/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.
Theo đó, khu vực cấm bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ gồm: Khu vực các công trình quốc phòng và khu quân sự đặc biệt quan trọng do Chính phủ ủy quyền cho Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo việc quản lý, bảo vệ; Khu vực trụ sở làm việc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành trung ương; Khu vực cảng hàng không, sân bay có hoạt động của tàu bay hàng không dân dụng, quân sự...
Quy định mới về thu phí điện tử không dừng
Ngày 17/06/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 19/2020/QĐ-TTg quy định về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.
Theo đó, các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đã lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng phải vận hành ngay việc thu phí điện tử không dừng. Đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đang hoạt động, chưa lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng chậm nhất đến ngày 31/12/2020 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng.
Quyết định 19/2020/QĐ-TTg cũng quy định: Đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đang hoạt động, chưa lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng chậm nhất đến ngày 31/12/2020 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng.
Còn với các trạm thu phí do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý, tiến độ hoàn thành sẽ do Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện nguồn vốn của dự án.
Cũng theo Quyết định, đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ thuộc các dự án đầu tư xây dựng mới, chỉ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi thực hiện thu phí điện tử không dừng theo quy định của Quyết định này.
Thủ tướng phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020
Theo Quyết định 908/QĐ-TTg ban hành ngày 29/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020(phụ lục 1):Doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 gồm 120 doanh nghiệp.
Ngoài ra, có 4 doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thoái vốn trước ngày 30/11/2020; không hoàn thành thoái vốn thì hoàn thành chuyển giao về SCIC trước 31/12/2020 gồm: Tổng công ty Cổ Phần Sông Hồng (Bộ Xây dựng), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – Công ty Cổ phần (Bộ Xây dựng), Tổng công ty Xây dựng số 1 – Công ty Cổ phần (Bộ Xây dựng); Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) (Bộ Xây dựng).
Doanh nghiệp chuyển giao về SCIC để thực hiện thoái vốn, hoàn thành chuyển giao trước 31/8/2020 gồm 14 doanh nghiệp.
Quyết định cũng nêu rõ, có 18 doanh nghiệp thuộc Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện sắp xếp, thoái vốn theo phương án cụ thể.
Bên cạnh đó, Danh mục doanh nghiệp dừng thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 để rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, thoái vốn trong giai đoạn 2021-2025 gồm: 54 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp nước chưa thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 và 15 doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực khác.
Tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng
Tại văn bản 5256/VPCP-NN ban hành ngày 30/6/2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chức năng nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo, cảnh báo cháy rừng, chế độ báo cáo, đảm bảo cập nhật, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng; duy trì nghiêm chế độ trực ban 24/24 vào mùa cao điểm; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng và triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, phát bản tin cảnh báo cháy rừng.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng và triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo phù hợp, sát thực tiễn, hiệu quả; rà soát, hoàn thiện quy chế chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, “phòng là chính”; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng trên địa bàn tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn; có phương án và sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.