Ảnh minh họa
Nghị định mới về vị trí việc làm và biên chế công chức
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức. Nghị định quy định các cơ quan, tổ chức xác định vị trí việc làm cho công chức phải căn cứ vào: 1- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức; 2- Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Vị trí việc làm được phân loại theo khối lượng công việc; theo tính chất, nội dung công việc.
Cơ quan, tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bộ, ngành, địa phương) căn cứ vào quy định trên và văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về vị trí việc làm để xây dựng đề án vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức mình, gửi cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ về tổ chức cán bộ của bộ, ngành, địa phương thẩm định và trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Các trường hợp người lao động được xác định đang đóng bảo hiểm thất nghiệp
Chính phủ ban hành Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 Điều 12 về đóng bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, người lao động được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 của Luật Việc làm khi thuộc một trong các trường hợp: 1- Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội; 2- Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội; 3- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội; 4- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội; 5- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.
Sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 60/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.
Cụ thể, Nghị định chuyển chất số 398 “Thuốc phiện và các chế phẩm từ thuốc phiện” thuộc Danh mục IID trong Danh mục II các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền sang Danh mục ID thuộc Danh mục I các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với Danh mục IV các tiền chất, Nghị định bổ sung 13 chất vào Danh mục IVA các tiền chất thiết yếu, tham gia vào cấu trúc chất ma túy.
Chỉ thị một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.
Để khắc phục những tồn tại và đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó, ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới và là một trung tâm chế biến sâu và logistic của thương mại nông sản toàn cầu. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, thực hiện các định hướng về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.
Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu cơ bản đến năm 2030, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp 100% trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước)... Ngoài ra, Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).
Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, điều kiện kinh doanh
Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện nhanh, quyết liệt, thực chất hơn việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, điều kiện kinh doanh; cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành tạo điều kiện cho khởi nghiệp, đầu tư trong nước và đón nhận làn sóng FDI từ nước ngoài chảy về; thúc đẩy mạnh mẽ việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ các TTHC thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả của đại dịch, khơi thông nguồn lực kinh tế; tiếp tục đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, không gắn với địa giới hành chính, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Xác định rõ mục tiêu Đề án tái cấu trúc hạ tầng CNTT phục vụ Chính phủ điện tử
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông xác định rõ ràng, chỉ tiêu hoá các mục tiêu tại Đề án tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng một số nền tảng dùng chung phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu cho Chính phủ điện tử; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án nguồn lực để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện Đề án; tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng, tác động, lợi ích cụ thể của Đề án, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, kế thừa hạ tầng kỹ thuật (mạng, Trung tâm dữ liệu, phòng máy chủ...), hạ tầng ứng dụng và cơ sở dữ liệu tại các bộ, ngành, địa phương; xây dựng phương án, lộ trình, hướng dẫn cụ thể trong triển khai nhiệm vụ tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin tại các bộ, ngành, địa phương.