Báo cáo tình hình công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2016

Thứ hai, 06/02/2017 15:17
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư; Thông tư số 22/2015/TT-BKHĐT ngày 18/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư, Bộ Xây dựng tổng hợp tình hình công tác giám sát, đánh giá đầu tư năm 2016 như sau: 

I. TÌNH HÌNH BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN CÁC CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN ĐẦU TƯ THEO THẨM QUYỀN

Trong năm 2016, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước ngành Xây dựng. Cụ thể như sau:

1. Về văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà nước ngành Xây dựng

Trong năm 2016, Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng và bảo đảm tiến độ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tính đến hết năm 2016, Bộ Xây dựng đã trình và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 01 Nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 Nghị định và 02 Quyết định.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tiếp tục hoàn thiện 11 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề án đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: 03 dự thảo Nghị định, 06 Quyết định, đề án, 02 Chỉ thị.

Đồng thời, Bộ cũng đã tiến hành rà soát, đề xuất, bổ sung, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng (03 Nghị định, 06 Quyết định) như: Đề xuất thay thế Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 08/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định của chính phủ quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp phép xây dựng.

2. Về các văn bản ban hành theo thẩm quyền của Bộ Xây dựng

Trong năm 2016, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành và phối hợp ban hành 32 Thông tư theo thẩm quyền (trong đó có 02 Thông tư liên tịch. Theo đó, về cơ bản các văn bản hướng dẫn thi hành các luật về đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản đã được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đã từng bước đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, góp phần tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Về công tác quản lý hoạt động đầu tư, xây dựng: Nhìn chung, chất lượng thẩm định được nâng cao hơn, tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm định dự án vào khoảng 0,97% tổng mức đầu tư; thông qua việc thẩm định thiết kế, dự toán đã cắt giảm chi phí khoảng 5,87% so với dự toán; tỷ lệ hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung thiết kế chiếm khoảng 36%, góp phần phòng ngừa được nhiều rủi ro về chất lượng công trình.

Thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng theo Nghị định số 46/2015/NĐ-CP , Bộ Xây dựng đã phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, đánh giá an toàn các đập, hồ chứa thuộc danh mục công trình được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, nghiệm thu đưa vào sử dụng; kiểm tra, xử lý các vụ việc, sự cố về chất lượng công trình xây dựng. Theo đó, Chất lượng các công trình xây dựng trong cả nước về cơ bản được đảm bảo, chất lượng các công trình trọng điểm, có quy mô lớn được kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu thiết kế, đưa vào vận hành, khai thác an toàn, hiệu quả.

Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, các công cụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng được tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ngày càng đồng bộ, đầy đủ, góp phần tạo lập thị trường xây dựng cạnh tranh bình đẳng, công bằng và minh bạch, hạn chế tham nhũng, thất thoát, lãng phí. Công tác lập và công bố chỉ số giá xây dựng được triển khai nghiêm túc, đúng quy định, Bộ Xây dựng đã tổng hợp, lập và công bố chỉ số giá xây dựng quốc gia theo từng quý; 61/63 địa phương đã thực hiện công bố chỉ số giá xây dựng trên địa bàn. Mặt bằng giá cả xây dựng năm 2016 nhìn chung ổn định, dao động trong khoảng từ 1%-5%.

Công tác cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép theo quy định của Luật Xây dựng từng bước đi vào nề nếp. Chỉ tiêu về cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục có liên quan có thứ hạng cao nhất trong 10 chỉ tiêu đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam và xếp thứ 3 trong các nước ASEAN (theo đánh giá của WB).

Về công tác quản lý kiến trúc, quy hoạch: Trong năm 2016, Bộ Xây dựng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 04 nhiệm vụ và 05 đồ án quy hoạch xây dựng, 02 quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; đã tổ chức thẩm định 04 nhiệm vụ và 01 đồ án quy hoạch xây dựng. Tỷ lệ lập quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 75%, quy hoạch chi tiết đạt khoảng 35%, quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 99% (có 53/63 địa phương đã lập, phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn, 23/63 địa phương đã phê duyệt quy hoạch cấp nước; 12/63 địa phương đã phê duyệt quy hoạch thoát nước).

Về công tác quản lý phát triển vật liệu xây dựng : Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 về quản lý vật liệu xây dựng, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh để quản lý, kiểm soát phát triển vật liệu xây dựng; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và quản lý thực hiện các quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng chủ yếu. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức lập và kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển vật liệu xây dựng. Đến nay đã có 53 tỉnh lập Quy hoạch phát triển VLXD đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh (trong đó có 9 tỉnh Quy hoạch phát triển VLXD đã đến kỳ rà soát, điều chỉnh); 10 tỉnh đang nghiên cứu lập Quy hoạch.

Chương trình phát triển vật liệu xây không nung được đẩy mạnh, góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Bộ đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng”.

Về công tác quản lý phát triển nhà ở và thị trường bất động sản: Công tác phát triển nhà ở, trọng tâm là nhà ở xã hội theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở người dân, nhất là các đối tượng người có công, người nghèo ở khu vực thường xuyên bị bão, lũ, ngập lụt, người thu nhập thấp đô thị. Trong năm 2016, Bộ Xây dựng đã tích cực, chủ động đề xuất và phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội các giải pháp về vốn cho phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 theo quy định của pháp luật về nhà ở (Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP) và vốn cho các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến hết tháng 12/2016, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22,8 m2 sàn/người (tăng 0,8 m2 sàn/người so với năm 2015); năm 2016, cả nước phát triển thêm khoảng 0,5 triệu m2 nhà ở xã hội khu vực đô thị, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội khu vực đô thị đạt khoảng 3,7 triệu m2.

III. TÌNH HÌNH QUẢN LÝ CÁC DỰ ÁN THUỘC NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

1. Tình hình thực hiện và giải ngân các dự án

1.1. Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư

Trong năm 2016, tổng số vốn đầu tư công kế hoạch năm 2016 của Bộ Xây dựng được giao quản lý là 2.363,2 tỷ đồng. Cụ thể như sau:

Vốn kéo dài, Bộ Xây dựng được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài vốn của các năm trước sang năm 2016 là 1.435,35 tỷ đồng (Trong đó: Vốn Dự án ĐTXD công trình Nhà Quốc hội là 1.412,79 tỷ đồng; Dự án ĐTXD Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc là 21,28 tỷ đồng và một số dự án khác).

Riêng kế hoạch năm 2016, Bộ Xây dựng được giao là 927,87 tỷ đồng (Trong đó: Vốn trong nước là 587,87 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 340 tỷ đồng) cho 36 dự án, gồm: 02 dự án chuẩn bị đầu tư, 01 dự án hoàn trả vốn ứng trước, 31 dự án thực hiện đầu tư, 02 dự án thuộc chương trình mục tiêu

Việc phân bổ vốn đầu tư công cho các dự án năm 2016 đã được Bộ Xây dựng thực hiện đảm bảo quy định về thời gian, cơ cấu ngành, nhóm và danh mục dự án theo đúng chi tiết tại Quyết định số 2526/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2016; Quyết định số 2038/QĐ-BKHĐT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2016.

1.2. Kết quả đạt được

Năm 2016, Bộ Xây dựng luôn tăng cường đôn đốc, kiểm tra, rà soát tiến độ các dự án trong kế hoạch năm và hướng dẫn chuẩn bị tốt các dự án thực hiện đầu tư trong năm theo đúng mục tiêu, đúng quy định. Các dự án đã được quyết định đầu tư đều thực hiện đúng theo mức kế hoạch vốn được giao, không gây nợ đọng xây dựng cơ bản.

Tính đến hết niên độ ngân sách năm 2016, tổng cộng giá trị giải ngân các nguồn vốn được giao năm 2016 đạt 1.215,1 tỷ đồng (Trong đó: Vốn năm 2016 được 896,8 tỷ đồng; vốn kéo dài được 318,3 tỷ đồng). Cụ thể như sau:

Vốn trong nước kế hoạch năm 2016: Tính đến 31/01/2017, giá trị giải ngân được 556,8 tỷ đồng đạt 94,6% kế hoạch năm, số vốn chưa giải ngân là 31,274 tỷ đồng;

Vốn nước ngoài kế hoạch năm 2016 (bao gồm cả vốn nước ngoài giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước): Giá trị giải ngân được 340 tỷ đồng đạt 100% kế hoạch vốn giao năm 2016;

Vốn được phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2016: Tính đến 31/12/2016 nguồn vốn này giải ngân được 318,3 tỷ đồng.

Kết quả đạt được: Về cơ bản đến ngày 30/9/2016, các dự án có tỷ lệ giải ngân trên 50% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, đến 31/12/2016 hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 được phân bổ. Trong năm 2016, các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước giao Bộ Xây dựng quản lý đưa được 11 dự án vào khai thác sử dụng.

2. Nguyên nhân giải ngân thấp và giải pháp khắc phục

2.1. Nguyên nhân chính

Trong năm 2016, các dự án sử dụng vốn đầu tư công của Bộ Xây dựng có tỷ lệ giải ngân chưa cao được 1.215 tỷ đồng đạt 51,4% tổng kế hoạch vốn năm 2016, số vốn còn lại chưa giải ngân được là 1.148 tỷ đồng. Số vốn chưa giải ngân hết chủ yếu là thuộc nguồn vốn kéo dài của Dự án ĐTXD công trình Nhà quốc hội (Trong đó vốn được phép kéo dài từ năm 2014 đến 31/12/2016 chưa giải ngân là 593,4 tỷ đồng; vốn được kéo dài từ năm 2015 sang năm 2016 chưa giải ngân được là 523,3 tỷ đồng).

2.2. Giải pháp khắc phục

Nhằm khắc phục triệt để tình trạng giải ngân chậm đảm bảo hoàn thành kế hoạch phân bổ năm 2016, Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BXD ngày 20/7/2016 đối với các đơn vị thuộc Bộ về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 2016, trong đó nhấn mạnh:

- Đẩy nhanh công tác chuẩn bị thực hiện dự án, công tác lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật, sớm khởi công công trình. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo tiến độ thi công; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn vào cuối năm.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp.

- Đối với dự án Đầu tư xây dựng công trình Nhà Quốc hội: Số vốn bố trí nêu trên chủ yếu để thanh toán cho khối lượng các công việc đã hoàn thành. Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Ban quản lý tập trung cho công tác kiểm toán, quyết toán, trên cơ sở kết quả kiểm toán, Ban quản lý Dự án hoàn thiện các hồ sơ để thanh quyết toán số vốn nói trên.

IV. TÌNH HÌNH QUẢN LÝ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN VỐN KHÁC

Triển khai theo quy định tại Nghị định 99/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/11/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Bộ Xây dựng, đôn đốc các doanh nghiệp thuộc Bộ trình kế hoạch đầu tư, danh mục các dự án đầu tư nhóm A, B và thông báo với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp và giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Giao nhiệm vụ cho Người đại diện quyết định danh mục các dự án đầu tư nhóm A, B và báo cáo về Bộ đối với các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Theo đó, năm 2016, 16 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng có tổng giá trị đầu tư ước đạt 18.305 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ. Các lĩnh vực đầu tư chính trong năm chủ yếu vẫn là nhà ở, hạ tầng và năng lượng.

V. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ ĐẦU TƯ

1. Tình hình thực hiện chế độ báo cáo

Về thời gian nộp báo cáo nhìn chung các Chủ đầu tư đã nghiêm túc thực hiện đúng hạn thời gian quy định nộp báo cáo giám sát đánh giá đầu tư theo tháng, quý, 6 tháng đầu năm theo quy định tại Nghị định 84/2015/NĐ-CP của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư;

Về nội dung báo cáo căn cứ vào báo cáo tình hình thực hiện giám sát đánh giá đầu tư của các đơn vị gửi Bộ Xây dựng còn chậm và chưa đầy đủ, công tác giám sát, đánh giá đầu tư là công tác thường xuyên được các Ban quản lý, Chủ đầu tư quan tâm. Hầu hết các dự án đều được thực hiện đảm bảo trình tự thủ tục đầu tư theo đúng quy định. Về nội dung Báo cáo giám sát đánh giá tổng thể đầu tư đã nêu chi tiết hơn so với các kỳ báo cáo trước. Tuy nhiên, một số báo cáo còn chung chung sơ sài chưa đầy đủ thông tin theo nội dung và biểu mẫu theo quy định.

2. Kết quả kiểm tra, đánh giá dự án đầu tư trong kỳ

2.1. Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước

Các Ban quản lý/đơn vị được Bộ Xây dựng giao làm Chủ đầu tư dự án, về cơ bản đã tổ chức giám sát chặt chẽ quá trình thi công của các nhà thầu xây dựng, tiến độ thực hiện của dự án,… định kỳ hàng tháng các Ban quản lý, Chủ đầu tư dự án đều có văn bản báo cáo chi tiết tình hình triển khai, những khó khăn, vướng mắc (nếu có). Riêng đối với dự án đầu tư do Bộ Xây dựng làm Chủ đầu tư, định kỳ hàng tuần/tháng lãnh đạo Bộ Xây dựng có buổi làm việc rà soát tiến độ triển khai.

Ngoài ra, triển khai Quyết định số 195/QĐ-BXD ngày 3/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc thực hiện nhiệm vụ Giám sát, đánh giá đầu tư một số dự án sử dụng nguồn vốn NSNN năm 2016, Bộ Xây dựng đã thành lập Đoàn công tác trực tiếp làm việc với một số Ban quản lý/Chủ đầu tư rà soát các dự án với mục đích giám sát, đánh giá tình hình triển khai của dự án đảm bảo phù hợp với mục tiêu và thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Qua công tác giám sát, kiểm tra đã phát hiện và kịp thời điều chỉnh một số nghiệp vụ quản lý đầu tư mà các đơn vị này chưa hoàn thiện như:

- Các dự án đã thực hiện kiểm tra: Phối hợp với đơn vị sắp xếp khoa học hồ sơ, chứng từ liên quan đến dự án; Rà soát đảm bảo các cán bộ tham gia Ban quản lý, Tư vấn quản lý dự án, Tư vấn đấu thầu, Tư vấn giám sát thi công,… có đầy đủ các chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định của pháp luật.

- Các dự án thực hiện theo dõi qua công tác báo cáo: Bộ Xây dựng đã ban hành các văn bản số 100/BXD-KHTC ngày 09/5/2016; 116/BXD-KHTC ngày 15/6/2016, 143/BXD-KHTC ngày 29/7/2016, theo đó, đôn đốc các đơn vị tập trung đẩy nhanh các việc liên quan đến dự án, đối với phần khối lượng đã hoàn thành sớm gửi hồ sơ thanh toán ra kho bạc nhà nước.

2.2. Đối với các dự án doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng thực hiện

Bộ Xây dựng đã chỉ đạo yêu cầu các đơn vị lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư đảm bảo đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; các dự án được phê duyệt phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết của từng ngành, lĩnh vực. Theo đó, các doanh nghiệp thuộc Bộ ban hành các quyết định nội bộ quy định quy trình công tác, giám sát, đánh giá đầu tư các dự án do đơn vị thực hiện. Ngoài ra, định kỳ hàng quý báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư về Bộ Xây dựng theo qui định tại Quyết định 699/QĐ-BXD ngày 28/6/2010 của Bộ Xây dựng.



Trung tâm Thông tin.
Nguồn: Báo cáo 08a/BC - BXD. 

Tài liệu đính kèm bài viết
Bao_caocongtacgiamsat nam 2016.docTải về
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)