Đây là một trong những đề tài thuộc Dự án KHCN “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo dây chuyền thiết bị và công nghệ sản xuất gạch AAC, công suất 200.000 m3/năm”, do Tổng công ty VIGLACERA-CTCP thực hiện. PGS.TSKH Nguyễn Anh Dũng - Trường Đại học Bách Khoa, Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Trình bày Báo cáo thuyết minh tóm tắt dự án trước Hội đồng, KS. Dương Văn Thẩm - Chủ nhiệm dự án cho biết, mục tiêu của dự án là lựa chọn nguyên vật liệu trong nước, hoàn thiện bài phối liệu kết hợp sử dụng cát đen, phế thải sản xuất công nghiệp (thạch cao) và tổ chức sản xuất 34.285m2 gạch AAC B2, B3, B4 trên dây chuyền công nghệ mới cải tạo có công suất 200.000 m3/năm.
Dự án còn đánh giá kết quả mặt bằng công nghệ, sử dụng nguyên vật liệu, quá trình hoạt động của các thiết bị chế tạo trong nước, các thông số công nghệ của dây chuyền, khả năng hoạt động đồng bộ của dây chuyền đảm bảo các yêu cầu của dự án, qua đó đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện thiết kế dây chuyền.
Thực hiện dự án, nhóm nghiên cứu đã tiếp nhận hệ thống thiết bị máy móc và lắp đặt dây chuyền công nghệ sản xuất gạch AAC công suất công suất 200.000 m3/năm; kiểm tra khả năng hoạt động của hệ thống máy móc thiết bị, dây chuyền; kiểm tra nguyên vật liệu dùng để sản xuất gạch AAC. Cùng với đó, Tổng công ty VIGLACERA-CTCP đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cơ khí để chế tạo một số thiết bị sử dụng trong dây chuyền sản xuất gạch AAC, như: Máy trộn, thiết bị định lượng, xilo, bể khuấy, đặc biệt là thiết bị autoclave.
Theo dự án, quá trình thử nghiệm cho kết quả: Dây chuyền sản xuất đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ ban đầu đề ra với công suất 200.000 m3/năm, tỷ lệ thu hồi thành phẩm đã đạt 98-99%, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn châu Âu và TCVN; sản phẩm loại I có khối lượng nhẹ, khô; các nguyên vật liệu được lựa chọn đã đáp ứng được yêu cầu của dự án cũng như yêu cầu của đơn vị tư vấn HESS và phù hợp với yêu cầu công nghệ sản xuất. Từ đó, dự án hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất gạch AAC, bao gồm: quy trình công nghệ gia công nguyên liệu; quy trình công nghệ định lượng, trộn, đổ khuôn; quy trình công nghệ dưỡng hộ; công nghệ tháo khuôn; quy trình cắt sản phẩm; quy trình công nghệ chưng áp sản phẩm; công nghệ tách sản phẩm.
Trên cơ sở kết quả thử nghiệm đạt được, dự án kiến nghị Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện để các đơn vị áp dụng một số loại vật liệu khác để sản xuất gạch AAC trên quy mô công nghiệp như: Cát mặn, cát đen, phối liệu sau chưng áp để sản xuất các dòng sản phẩm phù hợp với những môi trường khác nhau, như: Môi trường biển đảo hoặc các vùng hay bị ngập nước như đồng bằng sông Cửu Long; tiếp tục theo dõi và hoàn thiện tính đồng bộ của dây chuyền sản xuất, nghiên cứu các biện pháp nâng cao sự ổn định của dây chuyền cũng như hoàn thiện sản phẩm. Do gạch AAC có vị trí ngày càng quan trọng trong định hướng phát triển vật liệu không nung thân thiện với môi trường, vì vậy dự án kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ chú trọng xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển gạch AAC.
Nhằm nâng cao chất lượng Báo cáo thuyết minh tổng hợp của dự án, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng KHCN chuyên ngành đã đưa ra những nhận xét, góp ý. Theo Hội đồng, dự án đã hoàn thành đầy đủ sản phẩm và đảm bảo chất lượng, một số mục tiêu đã đạt vượt so với nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cần xem xét, chỉnh sửa một số đoạn trong báo cáo thuyết minh tổng hợp đảm bảo ngắn gọn, súc tích hơn.
PGS.TSKH Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch Hội đồng phát biểu kết luận cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, PGS.TSKH Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch Hội đồng đánh giá, nhóm nghiên cứu Tổng công ty VIGLACERA- CTCP đã hoàn thành tốt các mục tiêu của dự án, đưa vào sản xuất thực nghiệm thành công dây chuyền công nghệ sản xuất gạch AAC công suất 200.000 m3/năm, tỷ lệ thu hồi thành phẩm đạt trên 97%. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cần tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng, làm rõ hơn những yếu tố, chi tiết đã được dự án hoàn thiện trên cơ sở dây chuyền công nghệ cũ, tính toán hiệu quả kinh tế, giá thành thiết bị so với dây chuyền nhập ngoại, sau đó hoàn chỉnh báo cáo, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Hội đồng KHCN chuyên ngành đã nghiệm thu dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện thiết kế chế tạo đồng bộ dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí chưng áp, công suất 200.000 m3/năm” với kết quả xếp loại xuất sắc.
Trần Đình Hà