Theo Báo cáo của đơn vị tư vấn lập quy hoạch, ngành công nghiệp xi măng là một trong số các ngành công nghiệp quan trọng đối với nền kinh tế nước ta. Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg (Quy hoạch 1488) cho đến nay đã triển khai thực hiện được trên 6 năm và đạt được những kết quả đáng kể, đáp ứng nhu cầu xi măng cho xây dựng trong nước và một phần cho xuất khẩu. Tuy nhiên, cho đến nay đã có một số thay đổi về điều kiện thực tế cũng như có những chính sách mới như "Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030"; Nghị định số 24a?2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý VLXD… nên việc rà soát, lập mới quy hoạch xi măng cho từng giai đoạn từ nay đến năm 2035 đối với Quy hoạch 1488 là rất cần thiết.
Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2017-2025 và định hướng đến năm 2035 do đơn vị tư vấn đề xuất đã đưa ra các quan điểm phát triển mới, đó là đầu tư phát triển công nghiệp xi măng bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đồng thời sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh quốc phòng; ưu tiên các dự án đầu tư mở rộng, đầu tư công suất lớn, công nghệ hiện đại,không đầu tư các trạm nghiền độc lập, riêng lẻ; ưu tiên các dự án xi măng ở các tỉnh phía Nam, các vùng có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, có điều kiện hạ tầng giao thông tốt; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, phụ tùng ngành xi măng.
Trong dự thảo quy hoạch đã đề xuất các định hướng về khai thác nguyên liệu, các tiêu chí xét duyệt các dự án đầu tư xi măng, các chỉ tiêu cơ bản về công nghệ và bảo vệ môi trường; định hướng nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Trong Quy hoạch cũng đưa ra các dự báo về nhu cầu xi măng của Việt Nam trong từng giai đoạn, trong đó đến năm 2020 khoảng 85 triệu tấn, đến 2025 khoảng 105 triệu tấn và đến năm 2035 khoảng 130 triệu tấn.
Tổng công suất thiết kế các nhà máy xi măng được quy hoạch cao hơn 20% so với nhu cầu tiêu thụ nội địa để đảm bảo giải quyết được sự gia tăng nhu cầu xi măng trong ngắn hạn do hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng tăng cao trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tập quán xây dựng theo mùa, và giành một phần cho xuất khẩu.
Về sản phẩm, quy hoạch cũng đề xuất mục tiêu đa dạng hóa chủng loại xi măng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường, đặc biệt là xi măng mác cao để sản xuất bê tông chất lượng cao; các loại xi măng phục vụ công trình biển và hải đảo, các loại xi măng đặc biệt; nghiên cứu ứng dụng các phế thải công nghiệp là nguyên liệu, phụ gia trong sản xuất xi măng.
Trong quy hoạch này cũng loại bỏ một số dự án không đủ tiêu chí để triển khai đầu tư, đó là các dự án đã được cấp có thẩm quyền đưa ra khỏi quy hoạch, các dự án do UBND tỉnh nơi có dự án đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch, các dự án mà doanh nghiệp đề nghị nhưng không được UBND cấp tỉnh chấp thuận, các dự án thuộc địa bàn Thủ đô Hà Nội chưa đảm bảo nguồn nguyên liệu.
Toàn cảnh Hội nghị.
Đánh giá về dự thảo và thuyết minh quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2017-2025 và định hướng đến năm 2035, nhìn chung các báo cáo phản biện của Hiệp hội xi măng Việt Nam, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nhất trí về cơ bản các nội dung đề xuất, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của đơn vị tư vấn trong việc thu thập, phân tích thông tin về hiện trạng ngành công nghiệp xi măng Việt Nam hiện nay, đánh giá đúng đắn việc thực hiện quy hoạch 1488 và đưa ra các căn cứ xác đáng để xây dựng quy hoạch mới.
Theo các chuyên gia phản biện, quy hoạch 1488 có vai trò quan trọng về thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội cho phát triển xi măng. Trong thời gian ngắn đã tạo ra được sản lượng xi măng đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, cần định hướng phát triển ngành xi măng theo hướng bền vững, đảm bảo môi trường nên cần đề xuất những chỉ tiêu quy hoạch mới.
Các thành viên Hội đồng thẩm định, đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các Hội, Hiệp hội, các địa phương về cơ bản cũng nhất trí với dự thảo quy hoạch, đồng thời cũng đóng góp thêm một số ý kiến đề nghị bổ sung trong thuyết minh, cũng như trong dự thảo quy hoạch, trong đó có đề nghị bổ sung thêm căn cứ pháp lý, bổ sung thêm đánh giá nhu cầu xi măng của các nước trong khu vực và các nước khác trên thế giới, bổ sung lộ trình loại bỏ các nhà máy xi măng công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường, đề xuất quy định quan trắc môi trường các nhà máy xi măng theo dạng trực tuyến, vấn đề sử dụng nhiệt thừa trong sản xuất xi măng để phát điện; lưu ý một số vấn đề về an ninh, quốc phòng đối với những dự án trong khu vực nhạy cảm, dự án gần biên giới…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh cám ơn các ý kiến phát biểu rất xác đáng của các chuyên gia phản biện và các thành viên Hội đồng, đặc biệt là ý kiến của các địa phương tham dự Hội nghị. Trên cơ sở các ý kiến đó, ban soạn thảo và đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục tiếp thu để hoàn chỉnh hồ sơ.
Hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua và đề nghị chỉnh sửa, trình Bộ Xây dựng hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.
Minh Tuấn