Nghiệm thu đề tài khoa học nghiên cứu biên soạn “Sổ tay cấp nước an toàn”

Thứ hai, 16/10/2017 14:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 13/10/2017, Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc họp nghiệm thu các kết quả của đề tài nghiên cứu biên soạn “Sổ tay cấp nước an toàn”, do Hội Cấp thoát nước Việt Nam thực hiện. Chủ tịch Hội đồng Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng chủ trì cuộc họp. 

Toàn cảnh cuộc họp của Hội đồng

Thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả thực hiện đề tài, TS. Nghiêm Vân Khanh cho biết, việc triển khai đề tài nghiên cứu biên soạn "Sổ tay cấp nước an toàn" nhằm thực hiện Thông tư số 08/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng về đảm bảo cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025, đồng thời làm tài liệu tham khảo cho các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương cũng như cho các đơn vị tham gia hoạt động cấp nước an toàn trong cả nước.

Thực hiện đề tài, nhóm tác giả áp dụng các phương pháp: Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin thực tế; phân tích đánh giá các ưu - nhược điểm của hiện trạng cấp nước an toàn; so sánh các thông số chất lượng nước sạch với tiêu chuẩn quy chuẩn Việt Nam; kế thừa kinh nghiệm biên soạn sổ tay của các đơn vị, công ty trong, ngoài nước; lấy ý kiến chuyên gia thông qua việc tổ chức các hội thảo, gửi tài liệu xin ý kiến chuyên gia.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, hiện nay, hầu hết các địa phương trên cả nước đã triển khai xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn theo quy định. Trong năm 2016, nhiều đô thị đã triển khai hiệu quả công tác cấp nước an toàn, song cũng còn không ít nơi xuất hiện tình trạng đường ống dẫn nước bị vỡ, gây thất thoát, thất thu nước ở mức cao. Có những địa phương như Hải Phòng, Huế khai thác nguồn nước quá mức khiến tài nguyên nước bị suy giảm dẫn đến các nguy cơ rủi ro, đe dọa cấp nước an toàn.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các Bộ, ngành thời gian qua đã chú trọng ban hành các văn bản, khung pháp lý liên quan đến cấp nước an toàn, tuy nhiên thực tế vẫn còn thiếu các hướng dẫn nhằm cụ thể hóa các mục tiêu của kế hoạch cấp nước an toàn theo Chương trình quốc gia đặt ra. Ngoài ra, đối chiếu kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quy định về quản lý nguồn nước, chất lượng nước hiện nay ở Việt Nam là chưa đồng bộ và chưa đảm bảo tính thống nhất, thiếu bộ công cụ đánh giá và thiếu các chỉ số giám sát thực hiện đảm bảo cấp nước an toàn.

Kết thúc quá trình nghiên cứu, đề tài nêu kiến nghị: Bộ Xây dựng cần nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực cấp nước an toàn từ Trung ương đến địa phương, đẩy mạnh công tác truyền thông về cấp nước an toàn. Để nâng cao hiệu quả cấp nước an toàn đáp ứng chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025, Bộ cần tiếp tục nghiên cứu biên soạn Sổ tay cấp nước an toàn cho các hệ thống cấp nước khu vực ngoại thị và nông thôn với các nội dung lược giản hơn, phù hợp với quy mô công suất nhỏ, đồng thời cần có những hướng dẫn về vật tư, thiết bị đảm bảo an toàn mạng lưới cấp nước và hướng dẫn kiểm soát chất lượng nước uống tại vòi.

Sau khi nghe Báo cáo tóm tắt đề tài khoa học nghiên cứu biên soạn “Sổ tay cấp nước an toàn”, các chuyên gia phản biện, các thành viên Hội đồng đã đóng góp ý kiến cho Báo cáo. Các thành viên Hội đồng nhất trí cao với sự cần thiết thực hiện đề tài và ghi nhận nỗ lực của nhóm tác giả trong quá trình khảo sát, điều tra thực tế, tổng hợp và phân tích số liệu, xây dựng Báo cáo, đánh giá “Sổ tay cấp nước an toàn” được biên soạn với cấu trúc chặt chẽ, rõ ràng, là tài liệu cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn cao, giúp các nhà quản lý và đơn vị cấp nước an toàn có được cái nhìn tổng quan về thực trạng cấp nước an toàn tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhóm tác giả cần chú trọng đến tính chất ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu, dễ áp dụng của Sổ tay.

Theo chuyên gia phản biện GS.TS. Hoàng Văn Huệ - trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, nhóm tác giả đã sử dụng 4 biện pháp nghiên cứu (phương pháp điều tra, khảo sát; phân tích các ưu - nhược điểm của hiện trạng cấp nước an toàn; so sánh các thông số chất lượng nước sạch với tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam; kế thừa kinh nghiệm biên soạn sổ tay trong nước, ngoài nước; lấy ý kiến chuyên gia) là các phương pháp phù hợp với tính chất của đề tài.

Việc biên soạn “Sổ tay cấp nước an toàn” theo hướng dẫn của WHO, có sửa đổi và áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới, đã đáp ứng yêu cầu thực thi kế hoạch cấp nước an toàn theo các chỉ tiêu chất lượng nước quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam và phù hợp với thực tế của các công ty cấp nước trên toàn quốc. “Sổ tay cấp nước an toàn” vừa là tài liệu chỉ dẫn, triển khai kế hoạch cấp nước an toàn đối với các công ty cấp nước, vừa dành cho các cơ quan quản lýnhà nước tham khảo để kiểm soát chất lượng nước, là tài liệu để các tổ chức, cá nhân tham khảo trong nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên ngành cơ sở kỹ thuật hạ tầng đô thị.GS.TS. Hoàng Văn Huệ cũng góp ý với nhóm tác giả một số vấn đề liên quan đến nội dung, hình thức và cấu trúc của Báo cáo.

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng PGS.TS. Mai Thị Liên Hương đánh giá: Nhóm tác giả thuộc Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Báo cáo được thực hiện công phu, chi tiết.

Chủ tịch Hội đồng Mai Thị Liên Hương cũng đề nghị nhóm tác giả tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng, rà soát lại toàn bộ nội dung Báo cáo, biên tập ngắn cho đúng tính chất là một cuốn sổ tay, chú ý đến những nội dung hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác cấp thoát nước an toàn, sớm hoàn thiện Báo cáo, trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.

Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm thu sản phẩm của đề tàinghiên cứu biên soạn “Sổ tay cấp nước an toàn”, với kết quả xếp loại Khá./.

 

Trần Đình Hà 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)