Hội thảo "Sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ tư, 04/10/2017 15:31
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 3/10/2017 tại thành phố Cần Thơ, Bộ Xây dựng và Bộ Công thương đã tổ chức Hội thảo "Sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long". Tới dự và chỉ đạo Hội thảo có ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường Quốc Hội; ông Bùi Phạm Khánh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương; ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Ban Kinh tế Trung ương; Bộ Xây dựng; Bộ Công thương; lãnh đạo các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận; Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài liên quan đến lĩnh vực xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm vật liệu xây dựng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong giai đoạn vừa qua, phát triển năng lượng nói chung và nhiệt điện than nói riêng đã đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển điện đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) dự kiến đến năm 2030 thì hiện nay trên toàn quốc có 21 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động và dự kiến đến năm 2030 cả nước có 57 nhà máy hoạt động. 
 

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại Hội thảo

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, vấn đề tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện than trong thời gian qua đang là thách thức đối với việc phát triển bền vững nhiệt điện than do thiếu các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp. Chính vì vậy, Bộ Xây dựng và Bộ Công thương tổ chức Hội thảo "Sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long" nhằm thảo luận, trao đổi và đưa ra các giải pháp cơ bản để xử lý tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện than tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hội thảo đã có 12 báo cáo tham luận của các đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng; Vụ Vật liệu xây dựng, Vụ KHCN và Môi trường, Viện Vật liệu Xây dựng, Viện KHCN Xây dựng; của Bộ Công thương: Cục Kỹ thuật an toàn môi trường công nghiệp, Tập đoàn điện lực Việt Nam; của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; Tổng Công ty xi măng Việt Nam; Công ty TNHH Hoàng Sơn; Công ty Steag - Power Minerals (CHLB Đức); Công ty JCOAL Nhật Bản.

Theo Báo cáo của Vụ VLXD - Bộ Xây dựng, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 3 cụm nhiệt điện chính sử dụng công nghệ đối than phun là nhiệt điện Duyên Hải, nhiệt điện Long Phú và nhiệt điện Sông Hậu. Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự kiến từ sau năm 2020 đến năm 2030 sẽ có thêm khoảng 9 nhà máy hoạt động, nâng công suất phát điện lên 18.225MW, mỗi năm tiêu thụ khoảng 54,68 triệu tấn than và thải ra khoảng 13,67 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao. Nếu không có các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy xử lý sử dụng thì tổng lượng tích lũy tro, xỉ, thạch cao trên các bãi chứa của các nhà máy nhiệt điện sẽ phát sinh rất lớn. Theo quan điểm của Bộ Xây dựng, tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện phải được xử lý, sử dụng hiệu quả làm nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, bê tông, gạch không nung, làm vật liệu san lấp thay thế cho cát… nhằm tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, góp phần phát triển bên vững.

Tham luận tại Hội thảo, TS. Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình KHCN trọng điểm cấp Bộ "Nghiên cứu phát triển VLXD sử dụng tro, xỉ, thạch cao đã qua xử lý từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón và các cơ sở công nghiệp phát thải khác". Bộ Xây dựng giao các đơn vị chuyên môn tập trung vào các lĩnh vực: sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp; trong xây dựng công trình nền và mặt đường giao thông; gia cố nền móng; sản xuất VLXD; xi măng, vữa và bê tông, gạch không nung.

Theo Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các nhà máy nhiệt điện than của EVN đã phối hợp với các đơn vị kiểm định độc lập để tổ chức lấy mẫu tro xỉ và phân tích. Kết quả phân tích, đánh giá cho thấy, tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện thuộc chất thải rắn công nghiệp thông thường, có thể tái sử dụng làm vật liệu xây dựng. Đối với tro xỉ than nội địa, cần tinh lọc để hàm lượng carbon xuống dưới 6% thì có thể sử dụng làm phụ gia xi măng.


Toàn cảnh Hội thảo

Tham luận của Cục Kỹ thuật an toàn môi trường công nghiệp - Bộ Công thương nêu lên một số khó khăn về quản lý, xử lý, tái chế tro, xỉ, thạch cao: nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nhưng và nhiều cơ sở sản xuất VLXD khác có khả năng sử dụng tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện than làm nguyên liệu sản xuất nhưng lại không đủ điều kiện tiếp nhận tro xỉ theo quy định của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ; thiếu các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền…

Nhìn chung, các báo cáo tham luận cũng như ý kiến trao đổi tại Hội thảo cho thấy một sự thống nhất nhận thức về việc tái sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện là hết sức cần thiết, đồng thời cần coi các sản phẩm phụ này là tài nguyên, là nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng và có thể dùng để gia cố nền đất yếu, san lấp mặt bằng trong điều kiện đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và môi trường, sẽ mang lại những lợi ích to lớn đối với nền kinh tế, đóng góp cho sự phát triển bền vững. Các tham luận và ý kiến của các đại biểu tham dự đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương và các cơ quan nhà nước của Địa phương cần sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích tái chế, tái sử dụng tro xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật có liên quan về sử dụng tro xỉ, thạch cao…

Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo và lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh bày tỏ cám ơn và tiếp thu ý kiến của các đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành TW, các địa phương, các cơ quan, đơn vị tham dự Hội thảo.

Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh cho biết, để thúc đẩy việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng và sản phẩm vật liệu xây không nung. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh đề nghị các chủ cơ sở phát thải, chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng và các cơ quan chủ quản quản lý nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón có trách nhiệm lập đề án xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao trình Bộ Công Thương phê duyệt.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến “Đề án Đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng” và "Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020".
 

Minh Tuấn

 

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)