Dự Hội thảo có Phó Chủ tịch CĐXD Việt Nam Đỗ Văn Quảng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Phạm Minh Hà, Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội Lê Quân, đại diện các Bộ, ngành Trung ương, tổ chức JICA, các chuyên gia trong nước, quốc tế, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống người dân, góp phần đảm bảo an toàn xã hội, phát triển đất nước. Trong những năm qua, Bộ Xây dựng không ngừng hoàn thiện và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến hệ thống chính sách pháp luật về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về an toàn lao động đối với mọi tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động xây dựng trên toàn quốc.
Đề cập đến một số trường hợp tai nạn lao động trong thi công xây dựng xảy ra thời gian gần đây, Thứ trưởng Lê Quang Hùng lưu tâm đặc biệt đến đảm bảo an toàn đối với hệ thống giàn giáo xây dựng công trình và mong muốn các chuyên gia, đại biểu tham dự Hội thảo cùng nhau thảo luận, lựa chọn, đề xuất các biện pháp kỹ thuật hữu hiệu nhằm nâng cao hơn nữa công tác đảm bảo an toàn đối với hệ thống giàn giáo nói riêng, an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình nói chung.
Ông Nguyễn Tuấn Ngọc Tú - Đại diện Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng
trình bày tham luận tại Hội thảo
Trình bày tham luận “Công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình”, ông Nguyễn Tuấn Ngọc Tú - Đại diện Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Cục Giám định) cho biết: Cục Giám định được Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ là cơ quan tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động thi công xây dựng. Thời gian qua, Cục Giám định đã tích cực triển khai các quy định pháp luật về an toàn lao động, thực hiện quản lý an toàn máy móc, thiết bị sử dụng trong thi công xây dựng, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn lao động.
Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục Giám định đã tập trung rà soát toàn bộ hệ thống Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành có nội dung liên quan đến an toàn lao động trong thi công xây dựng, đồng thời nghiên cứu các hệ thống quản lý an toàn lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các hệ thống quản lý an toàn lao động thi công xây dựng của các nước phát triển trên thế giới để tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung xây dựng hệ thống Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam đảm bảo đồng bộ, phù hợp với trình độ phát triển của khoa học công nghệ xây dựng hiện nay.
Cố vấn cao cấp của tổ chức JICA Noda Seiji phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Cố vấn cao cấp của tổ chức JICA Noda Seiji cho biết, các biện pháp kỹ thuật phòng ngừa tai nạn lao động trong thi công xây dựng tại công trường chủ yếu do các nhà thầu thực hiện. Để ngăn ngừa tai nạn và đảm bảo tính mạng, sự an toàn cho người lao động, các nhà thầu phải thực hiện trách nhiệm được quy định trong Hợp đồng với các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật về an toàn xây dựng, trong đó có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 18:2014/BXD “An toàn trong xây dựng”.
Theo Cố vấn cao cấp Noda Seiji, đến nay Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý về an toàn xây dựng thông qua việc ban hành Luât An toàn, vệ sinh lao động ngày 1/7/2016 và Thông tư số 04/2017/TT-BXD ngày 30/3/2017 của Bộ Xây dựng quy định về quản lý an toàn lao động trong xây dựng công trình. Do đó, việc Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung QCVN 18:2014/BXD và chuẩn bị xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật mới là rất kịp thời và sẽ có đóng góp tích cực tới đảm bảo an toàn lao động trong xây dựng ở Việt Nam.
Các chuyên gia trong nước, quốc tế tham dự Hội thảo
Cố vấn cao cấp Noda Seiji góp ý, trong quá trình xây dựng quy chuẩn kỹ thuật mới, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cần xem xét kỹ các chức năng của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia dựa trên những góp ý của JICA và các tổ chức hoạt động về an toàn lao động trong xây dựng, khi đó khung pháp lý về an toàn lao động trong xây dựng của Việt Nam sẽ trở thành hình mẫu cho các nước đang phát triển học tập làm theo.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu khách mời đã thảo luận sôi nổi nhiều đề tài liên quan đến biện pháp kỹ thuật phòng ngừa tai nạn lao động trong thi công xây dựng công trình, như: Việc áp dụng các văn bản pháp luật và quy chuẩn về an toàn trong các dự án JICA tài trợ đầu tư xây dựng tại Việt Nam; biện pháp kỹ thuật an toàn lao động khi thi công các bộ phận công trình trên cao; các nguy cơ mất an toàn lao động trong thi công xây dựng nhà cao tầng - biện pháp giám sát, phòng ngừa sự cố; nghiên cứu mô hình áp dụng hệ thống đánh giá rủi ro trong an toàn vệ sinh lao động cho các doanh nghiệp xây dựng vừa và nhỏ tại Việt Nam; an toàn giàn giáo trong xây dựng - góc nhìn từ thiết kế, biện pháp và thi công; công tác an toàn lao động trong thi công công trình hạ tầng giao thông; công tác quản lý an toàn lao động của tư vấn giám sát trong thi công xây dựng công trình.
Trần Đình Hà