Tại cuộc họp, PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên chủ nhiệm đề tài đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện đề tài. Theo báo cáo, hiện nay công trình xanh (CTX) đang trở thành xu hướng phát triển nhanh, mạnh và được áp dụng khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều quốc gia đã có bộ tiêu chí về CTX, chẳng hạn như hệ thống đánh giá BREEAM của Anh, LEED của Mỹ, Green Star của Úc, Green Mark của Singapore, Casbee của Nhật Bản. Tại Việt Nam cũng đã có ba bộ tiêu chí đánh giá CTX của các tổ chức như Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, Hội Môi trường xây dựng Việt Nam và Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Trên thực tế, ở Việt Nam có một số tổ chức nghiên cứu về lĩnh vực CTX như VGBC, Viện Kiến trúc nhiệt đới, Viện Kiến trúc quốc gia, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, để ứng dụng rộng rãi mô hình CTX ở Việt Nam thì cần phải có những bước khảo sát, chuẩn bị, nghiên cứu lý thuyết…và quan trọng là sự kết hợp giữa các thành phần nghiên cứu liên quan như kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ điện, những nhà hoạt động về môi trường, cơ quan ghi lại dữ liệu thời tiết…để có thể ứng dụng một cách hiệu quả và đưa ra được mô hình CTX hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo môi trường phát triển bền vững. Vì vậy đề tài “Nghiên cứu và đề xuất giải pháp thiết kế nhà ở đô thị theo tiêu chí công trình xanh và tiết kiệm năng lượng áp dụng trong xây dựng đô thị Việt Nam hiện nay” là việc làm hết sức cần thiết.
Đề tài có nội dung nghiên cứu bao gồm các vấn đề: Điều tra, khảo sát thực trạng về quy hoạch – kiến trúc, điều kiện vi khí hậu trong nhà ở thấp tầng tại một số khu vực điển hình là thủ đô Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh; Tập hợp các cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp thiết kế theo hướng CTX đối với nhà ở thấp tầng trong các đô thị tại Việt Nam. Thí điểm đối với công trình nhà ở liền kề và nhà ở biệt thự.
Kết quả của đề tài bao gồm hai sản phẩm là Báo cáo tổng hợp và Sổ tay thiết kế nhà ở thấp tầng theo tiêu chí CTX và tiết kiệm năng lượng (TKNL) tại các đô thị Việt Nam. Trong đó, Báo cáo tổng hợp gồm 3 chương (Chương 1: Tổng quan về CTX và thực trạng ứng dụng CTX trong thiết kế nhà ở thấp tầng trong các khu đô thị mới. Chương 2: Cơ sở khoa học để ứng dụng CTX thích ứng điều kiện khí hậu đối với công trình nhà ở thấp tầng trong khu đô thị mới. Chương 3: Nghiên cứu những giải pháp thiết kế theo tiêu chí CTX có thể ứng dụng đối với nhà ở thấp tầng trong các khu đô thị mới.)
Nhận xét về đề tài, về cơ bản ý kiến của các thành viên Hội đồng và hai chuyên gia phản biện là TS. Nguyễn Văn Muôn - Hội Môi trường xây dựng Việt Nam và ThS.KTS. Nguyễn Huy Khanh - Phó Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam đánh giá, nội dung của báo cáo tổng hợp đã bao quát được tương đối đầy đủ các vấn đề liên quan đến nghiên cứu và đề xuất các giải pháp thiết kế nhà ở đô thị theo tiêu chí CTX và TKNL áp dụng trong xây dựng đô thị Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, cách trình bày chưa thực sự hiệu quả và cần cô đọng và súc tích hơn nữa. Các giải pháp đưa ra đều có ý nghĩa thực tiễn, song một vài giải pháp cần phân tích tính khả thi để nâng cao tính thuyết phục.
Phát biểu kết luận, ThS. Nguyễn Công Thịnh Chủ tịch Hội đồng ghi nhận nỗ lực của nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài với khối lượng công việc lớn và đề nghị nhóm thực hiện tiếp thu ý kiến của hội đồng để hoàn thiện đề tài. Theo đó, cần lược bỏ một số phần lý thuyết viết quá dài cũng như các nội dung trùng lặp ở các phần: xu hướng CTX, nhóm các giải pháp thiết kế…, các nội dung quá rộng so với yêu cầu của đề tài, rà soát lại các thuật ngữ trong phần tổng quan…
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu, xếp loại Khá.
Ninh Hoàng Hạnh