Trình bày Báo cáo thuyết minh tóm tắt Dự án, Chủ nhiệm Dự án - KTS. Đặng Kim Khôi cho biết, hiện nay ở Việt Nam có hơn 20.000 KTS nhưng chưa/không mạnh về năng lực và trình độ quản lý, do hành nghề chưa thực sự chuyên nghiệp và thiếu môi trường hành nghề phù hợp. KTS là người cung cấp dịch vụ, nhưng dịch vụ lại không bị ràng buộc chặt chẽ. KTS giỏi và KTS năng lực thấp đều có thể hành nghề như nhau, tuy nhiên kết quả mang lại rất khác nhau. Trong khi đó, những quy định liên quan đến hành nghề kiến trúc sư hiện nay còn chung chung, thiếu quy định rõ ràng. Vì vậy, việc thực hiện Dự án SNKT “Điều tra, khảo sát thực trạng công tác quản lý hành nghề kiến trúc sư” là đặc biệt cần thiết.
Mục tiêu của Dự án là điều tra, khảo sát thực trạng hành nghề và quản lý hành nghề kiến trúc sư, từ đó cung cấp số liệu, cơ sở thực tiễn và khoa học, kinh nghiệm quốc tế phục vụ việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật trong lĩnh vực kiến trúc, đồng thời đưa công tác hành nghề kiến trúc sư đi đúng thực chất, đảm bảo ổn định, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần tạo nên môi trường hành nghề kiến trúc sư lành mạnh, phát huy năng lực, sở trường của các KTS, tạo sự phát triển bền vững nền kiến trúc Việt Nam.
Để thực hiện Dự án, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phát 1.300 phiếu điều tra, khảo sát thực tế, đồng thời thu thập, tổng hợp các số liệu, tài liệu liên quan, tổng quan kinh nghiệm quốc tế, sau đó tiến hành phân tích, đánh giá để đưa ra các đề xuất, kiến nghị.
Nội dung Dự án gồm: Tổng quan Dự án; Số liệu kết quả điều tra thực trạng hành nghề và quản lý hành nghề KTS tại Việt Nam; Phân tích, đánh giá kết quả điều tra thực trạng hành nghề và quản lý hành nghề KTS tại Việt Nam; Định hướng và đề xuất giải pháp quản lý hành nghề KTS tại Việt Nam; Xây dựng nguyên tắc quản lý hành nghề KTS tại Việt Nam; kết luận và kiến nghị.
Dự án đề xuất Nhà nước thực hiện vai trò quản lý vĩ mô bằng luật, hệ thống văn bản pháp quy, tạo hành lang pháp lý cho mọi hoạt động kiến trúc. Trên cơ sở Luật Kiến trúc, cho phép thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc sư; Bên cạnh đó, Dự án kiến nghị cần nghiên cứu, cải tiến các đề xuất trong dự án về hành nghề và quản lý hành nghề kiến trúc sư, có lộ trình thực hiện các đề xuất (nêu ở trên) dưới dạng nghị định hoặc thông tư; theo lộ trình giao Hội Kiến trúc sư Việt Nam chuẩn bị những nội dung liên quan đến việc thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp, để khi Luật Kiến trúc có hiệu lực thi hành, mọi việc có thể triển khai nhanh chóng, hiệu quả.
Nhằm nâng cao chất lượng Báo cáo thuyết minh Dự án, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng đã có những nhận xét, góp ý giúp nhóm nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa. Theo Hội đồng, nhóm tác giả thuộc Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng, Báo cáo thuyết minh đạt chất lượng. Tuy nhiên, nhóm tác giả cần rà soát, biên tập Báo cáo đảm bảo ngắn gọn, súc tích, chỉnh sửa các lỗi đánh máy, sử dụng chính xác các thuật ngữ khoa học chuyên ngành, xem xét thay “Nguyên tắc quản lý hành nghề KTS tại Việt Nam” thành “Quy chế quản lý hành nghề KTS tại Việt Nam”.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Hồ Chí Quang ghi nhận nỗ lực của nhóm nghiên cứu thuộc Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong quá trình thực hiện Dự án, đồng thời đề nghị nhóm nghiên cứu xem xét, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng để sớm hoàn chỉnh Báo cáo, trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định, trong đó chú ý bổ sung những nội dung liên quan đến hành nghề kiến trúc sư trong lĩnh vực kiến trúc - văn hóa; bổ sung danh mục tài liệu tham khảo; đánh giá kỹ hơn điều kiện hành nghề kiến trúc của các cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu Dự án SNKT “Điều tra, khảo sát thực trạng công tác quản lý hành nghề kiến trúc sư”, với kết quả đạt loại Khá.
Trần Đình Hà