Trong phiên họp toàn thể tại Hội trường thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng diễn ra vào sáng 27/11, Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà giải trình một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà
Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng cho dự thảo Luật, góp phần hoàn thiện thể chế về lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các quy định pháp luật về xây dựng. Từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả đầu tư xây dựng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực này.
“Ban Soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu tất cả ý kiến của các đại biểu Quốc hội và sẽ nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung, chỉnh lý dự thảo Luật”, Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.
Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật, Bộ trưởng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật cùng với phạm vi điều chỉnh, tên gọi của dự án Luật như Chính phủ trình. Bên cạnh đó, cũng còn một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật. Bộ trưởng khẳng định, về nội dung này, Ban Soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát những nội dung cần thiết phải bổ sung theo tinh thần đã được đánh giá, tổng kết đầy đủ và không nhắc lại, không thể hiện lại các nội dung đã được quy định rõ ở các luật khác.
Liên quan đến nguyên tắc cơ bản và trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật cũng đã đưa ra các quy định về nguyên tắc sử dụng vật liệu, sản phẩm xây dựng tiết kiệm năng lượng, vật liệu thân thiện, bảo vệ môi trường. Ban Soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát để quy định các nguyên tắc cơ bản, đầy đủ, rõ ràng và có tính khả thi.
Về trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, Luật Xây dựng năm 2014 và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã quy định trách nhiệm quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của các cơ quan nhà nước. Đối với các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, pháp luật về xây dựng cũng đã quy định quyền và nghĩa vụ của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thi công xây dựng.
Bộ trưởng cho hay, qua tổng kết đánh giá việc thi hành Luật Xây dựng năm 2014, dự thảo Luật đã phân tách rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng và trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, cơ quan tư vấn thiết kế, thẩm tra trong thẩm định dự án và thẩm định thiết kế. Đồng thời, tăng cường phân cấp cho địa phương qua việc tích hợp, thẩm định, thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng; phân cấp cho địa phương trong việc cấp phép công trình cấp đặc biệt để gắn việc cấp phép xây dựng với quản lý trật tự xây dựng tại địa phương; phân cấp thẩm định thiết kế xây dựng công trình sử dụng vốn khác cho chủ đầu tư; phân cấp việc đánh giá an toàn, chịu lực công trình cho tổ chức tư vấn thẩm tra. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định, các nội dung sửa đổi này đã cơ bản bảo đảm nguyên tắc về quản lý và tăng cường phân cấp trong tổ chức thực hiện. Ban Soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để chỉnh sửa một số nội dung về các Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành cho phù hợp với điều kiện hiện nay.
Theo Chinhphu.vn