Hội thảo tham vấn ý kiến về tiêu chí, quy trình đánh giá thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn

Thứ năm, 30/11/2017 16:30
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 30/11/2017 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng và Tổ chức Y tế thế giới đã phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về tiêu chí, quy trình đánh giá thực hiện đảm bảo cấp nước an toàn, với sự tham dự của các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan hữu quan của Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung tâm nước sạch nông thôn và các doanh nghiệp cấp nước của các tỉnh và thành phố. Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng - PGS.TS Mai Thị Liên Hương chủ trì buổi Hội thảo.

Cục trưởng Cục HTKT Bộ Xây dựng Mai Thị Liên Hương phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Mai Thị Liên Hương cho biết, Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1566/QĐ-TTg ngày 9/8/2016. Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng với vai trò là cơ quan đầu mối trong triển khai thực hiện Chương trình, cùng với sự hỗ trợ hiệu quả của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp cấp nước… đã rà soát, xây dựng các tiêu chí và đánh giá thí điểm việc thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn tại các tỉnh trên phạm vi cả nước; kêu gọi và huy động sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đối với việc triển khai Chương trình; thực hiện truyền thông, phổ biến thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn cho Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn các tỉnh, thành phố.

Theo Cục trưởng Mai Thị Liên Hương, mục tiêu của Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia về việc xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí và quy trình đánh giá, tổ chức và cá nhân thực hiện việc đánh giá, xây dựng tiêu chí kiểm định chất lượng đối với việc thực hiện cấp nước an toàn…làm cơ sở cho việc nghiên cứu các chính sách về bảo đảm cấp nước an toàn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước lĩnh vực cấp nước, các doanh nghiệp cấp nước đối với công tác triển khai thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Tôn Tuấn Nghĩa - đại diện của WHO nhấn mạnh đến vai trò của kế hoạch cấp nước an toàn và kiểm toán chất lượng cấp nước an toàn. Ông Tôn Tuấn Nghĩa cho biết, nước sạch sau khi ra khỏi nhà máy nước có thể uống được trực tiếp nhưng sau khi hòa vào hệ thống đường ống, có nhiều nguy cơ làm tái nhiễm bẩn nước như: hệ thống đường ống cũ kỹ, đóng cặn hoặc rò rỉ, ảnh hưởng của các hoạt động tự nhiên và nhân tạo làm ô nhiễm nước như lũ lụt, khai khoáng, canh tác nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu), rác thải …Để hạn chế những nguy cơ và rủi ro nói trên, cần có cách tiếp cận mới mang tính chủ động và hiệu quả hơn, đó chính là thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn.

Ông Tôn Tuấn Nghĩa cho biết, việc triển khai kế hoạch cấp nước an toàn nhằm xác định và quản lý toàn diện các rủi ro liên quan, xây dựng các rào chắn để đảm bảo chất lượng nước, cũng như kết hợp nhiều biện pháp kỹ thuật và quản lý để đảm bảo cấp nước an toàn. Theo chuyên gia WHO, kế hoạch cấp nước an toàn có thể chia thành 11 mô-đun, gồm: Thiết lập nhóm cấp nước an toàn; Mô tả hệ thống cấp nước; Phát hiện mối nguy và sự kiện nguy hại và đánh giá; Xác định và kiểm chứng các biện pháp kiểm soát, đánh giá lại và đặt ra ưu tiên đối với các rủi ro; Xây dựng, triển khai thực hiện và duy trì kế hoạch cải thiện, nâng cấp; Xác định việc theo dõi các biện pháp kiểm soát; Đánh giá tính hiệu quả của kế hoạch cấp nước an toàn; Xây dựng quy trình quản lý; Xây dựng chương trình hỗ trợ; Lập kế hoạch và thực hiện rà soát định kỳ kế hoạch cấp nước an toàn; Rà soát chỉnh sửa kế hoạch cấp nước an toàn sau khi có sự cố.
 

 

Toàn cảnh Hội thảo

Kế hoạch cấp nước an toàn sẽ mang lại lợi ích cho người dân về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời cũng mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp cấp nước về cải thiện hiệu quả vận hành, giảm thất thoát thất thu, tiết kiệm chi phí…

Theo tham luận của Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng tại Hội thảo, đến nay đã có các công ty cấp nước của 34 tỉnh, thành phố trên cả nước cam kết áp dụng kế hoạch cấp nước an toàn và đã thực hiện cấp nước an toàn theo Chương trình quốc gia về cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025. Nhiều công ty cấp nước trong số đó, nhất là những đơn vị đã thực hiện các mô hinh cấp nước an toàn giai đoạn trước, mong muốn tiến hành đánh giá và cấp chứng chỉ thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn - đây là nhu cầu hợp lý của doanh nghiệp và được xem là động lực để mở rộng quy mô thực hiện cấp nước an toàn trên cả nước. Tuy nhiên, về việc này, Việt Nam hiện chưa có hệ thống đánh giá, bao gồm cơ quan phụ trách việc đánh giá, đội ngũ đánh giá viên, tiêu chí và quy trình đánh giá phù hợp về công tác bảo đảm cấp nước an toàn, các kết quả đánh giá cũng như các quy trình kiểm định chất lượng hoặc ghi nhận đối với các công ty cấp nước đã thành công trong việc thực hiện cấp nước an toàn cũng chưa được thực hiện, do đó việc xây dựng tiêu chí và quy trình đánh giá là hết sức cần thiết.

Theo đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật, việc đánh giá nhằm đạt được các mục tiêu như: xây dựng các tiêu chí, quy trình đánh giá, tiêu chí kiểm định chất lượng đối với thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn thông qua tham vấn ý kiến các cơ quan liên quan; xác định cơ quan phù hợp phụ trách đánh giá và kiểm định chất lượng bảo đảm cấp nước an toàn cùng với điều khoản tham chiếu và năng lực cần được củng cố; xây dựng lộ trình thiết lập hệ thống và quy trình đánh giá; tiến hành các nghiên cứu đánh giá thí điểm.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận sôi nổi về các nội dung: Đánh giá thực bảo đảm hiện cấp nước an toàn: các tiêu chí đánh giá, công bố kết quả đánh giá, các chỉ tiêu kỹ thuật liên quan, cơ quan thực hiện đánh giá; Cấp chứng chỉ bảo đảm cấp nước an toàn: sự cần thiết, lộ trình cấp chứng chỉ, tổ chức cấp chứng chỉ, mức độ pháp lý của chứng chỉ…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Cục trưởng Mai Thị Liên Hương bày tỏ cám ơn sự tham gia ý kiến rất sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu, trên cơ sở đó, Cục Hạ tầng kỹ thuật sẽ tổng hợp và nghiên cứu đưa thành những nội dung chính sách, nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành nước nói chung và cấp nước an toàn trên cả nước nói riêng, theo như mục tiêu đã đề ra của Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025.


Minh Tuấn

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)