Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phan Phan Mỹ Linh nêu rõ: Trong giai đoạn từ 1993 - 2016, Chính phủ Phần Lan đã dành nguồn vốn ODA lớn cho Việt Nam để thực hiện các chương trình dự án, trong đó cấp thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị là những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu. Bộ xây dựng và các địa phương thời gian qua đã tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA của Chính phủ Phần Lan để đổi mới chính sách, xây dựng thể chế, cải thiện công tác quản lý và tăng cường năng lực, đầu tư xây dựng nhiều công trình cấp thoát nước và vệ sinh môi trường tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, một số tỉnh miền núi và trung du Bắc bộ, miền Trung và miền Nam.
Chương trình nước và vệ sinh cho các thị trấn nhỏ Việt Nam là một nỗ lực chung của Chính phủ hai nước, với mục tiêu cung cấp nước sạch cho 25 thị trấn thuộc 08 tỉnh phía Bắc, trong đó có những địa phương miền núi còn rất nhiều khó khăn như Mù Cang Chải (Yên Bái), Yên Minh (Hà Giang), Thanh Nhật (Cao Bằng), Yến Lạc (Bắc Cạn). Chương trình hoàn thành đúng tiến độ dự kiến (tháng 6/2017) đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương; góp phần cải thiện môi trường, cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khi được sử dụng nước sạch.
Thay mặt Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh bày tỏ cám ơn sâu sắc sự giúp đỡ quý báu mà Chính phủ Phần Lan, Đại sứ quán Phần Lan đã dành cho Việt Nam nói chung và Bộ Xây dựng nói riêng trong suốt quá trình triển khai thực hiện Chương trình. Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Bộ ngành liên quan, thành viên Ban điều phối và chính quyền các địa phương để Chương trình kết thúc tốt đẹp, đúng tiến độ.
Tổng kết các thành tựu của Chương trình, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho biết: Về hợp phần đầu tư, Chương trình đã hỗ trợ cải tạo và xây mới 41 công trình cấp thoát nước và vệ sinh môi trường cho 08 tỉnh thành Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng. Hiện nay, tất cả các công trình được đầu tư đã đi vào hoạt động có hiệu quả.
Về hợp phần hỗ trợ kỹ thuật, Chương trình đã hỗ trợ nghiên cứu chính sách, thể chế, nghiên cứu mô hình xã hội hóa dịch vụ cấp nước và vệ sinh môi trường đô thị; tăng cường năng lực, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, và các công ty Cấp thoát nước tại các địa phương thuộc Chương trình. Chương trình đã hỗ trợ Bộ Xây dựng xây dựng Luật Quy hoạch đô thị; Dự thảo Luật cấp nước; xây dựng Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, Nghị định 124/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 117; hỗ trợ sửa đổi Nghị định 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và khu công nghiệp; hỗ trợ triển khai Chương trình chống thất thoát thất thu nước sạch đến năm 2025…Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Chương trình, nhiều cuộc Hội thảo, Hội nghị, các khóa đào tạo nâng cao năng lực quản lý dự án cho chính quyền các đô thị cũng đã được tổ chức tại khắp ba miền trên cả nước. Kết quả hoạt động những năm qua một lần nữa khẳng định Chương trình đã hoàn thành tốt đẹp các mục tiêu đề ra.
Tại Hội thảo, đại diện một số địa phương cũng nêu lên các vướng mắc, thuận lợi khi thực hiện Chương trình; tóm tắt các kết quả đạt được của địa phương mình. Đại diện các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Hưng Yên đều bày tỏ cám ơn sự chỉ đạo sát sao của Bộ Xây dựng, sự hợp tác chặt chẽ của các Bộ ngành liên quan để Chương trình đạt được những thành tựu khả quan, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến bày tỏ mong muốn trong thời gian tới đây, Chính phủ Phần Lan tiếp tục dành cho Việt Nam sự hỗ trợ mới theo phương thức mới khi triển khai thực hiện Chương trình cấp nước an toàn (Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1566/QĐ-TTg ngày 9/8/2016).
Lệ Minh