Theo Báo cáo của tư vấn lập Nhiệm vụ (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - VIUP), việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu là cần thiết: Quy hoạch chung TP Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2005, qua 12 năm thực hiện, thành phố đã phát triển lên một tầm cao mới, với nhiều sự đổi thay quan trọng. Cụ thể, năm 2007, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2006 - 2015, định hướng đến năm 2020 được phê duyệt. Năm 2008, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025 được phê duyệt. Năm 2013, TP Vũng Tàu được công nhận là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chuyển giao chức năng tỉnh lỵ cho thành phố Bà Rịa.
Phạm vi không gian lập quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu đến năm 2035 bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của TP Vũng Tàu hiện nay, với tổng diện tích đất tự nhiên là 15.002,75ha, phía Đông và phía Nam giáp Biển Đông và huyện Long Điền, phía Tây giáp vịnh Gành Rái, phía Bắc giáp TP Bà Rịa và huyện Tân Thành.
Theo “Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến năm 2035”, TP Vũng Tàu được xây dựng với tính chất là đô thị: Trung tâm dầu khí quốc gia; trung tâm du lịch - dịch vụ biển; trung tâm đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy - hải sản; trung tâm giao thông vận tải biển; đô thị có tầm quan trọng đặc biệt về an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo; là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh, đồng thời là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong chiến lược phát triển không gian đô thị Vũng Tàu, 5 động lực kinh tế cần được ưu tiên, đó là: Công nghiệp và dịch vụ dầu khí - đây là lĩnh vực mũi nhọn truyền thống, nguồn thu chính của ngân sách thành phố; du lịch - Hiện nay, tiềm năng du lịch của TP Vũng Tàu vẫn chưa được khai thác xứng tầm, đặc biệt là đường bờ biển phía Đông; cảng và dịch vụ hàng không - Đây là một thế mạnh truyền thống của thành phố và đang trên đà phát triển mạnh mẽ; thương mại đô thị - Vũng Tàu được đánh giá có vị trí cầu nối để Việt Nam phát triển hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực; thủy sản - đây cũng là một ngành truyền thống, đem lại nguồn thu lớn, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Sau khi nghe đại diện đơn vị tư vấn trình bày báo cáo tóm tắt “Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2035”, các thành viên của Hội đồng thẩm định gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia đã đưa ra những ý kiến góp ý để đơn vị tư vấn hoàn thiện dự thảo.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho biết, hiện nay đô thị Vũng Tàu có sự thay đổi nhanh chóng do sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp dịch vụ, do đó nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu đến năm 2035 phải chú trọng phát huy lợi thế về vị trí địa lý, khai thác tiềm năng du lịch, đưa du lịch - dịch vụ trở thành ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của thành phố, đồng thời tăng cường khai thác quỹ đất thành phố một cách có hiệu quả, phấn đấu sớm đưa Vũng Tàu trở thành một trong những trung tâm thương mại, tài chính của quốc gia và khu vực.
Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn yêu cầu TP Vũng Tàu triển khai xây dựng sa bàn hiện trạng thành phố Vũng Tàu, tỷ lệ 1/5.000 và tỷ lệ 1/2.000 đối với những khu vực có nhiều tiềm năng phát triển để thu hút các nhà đầu tư, đồng thời yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của Hội đồng, sớm hoàn chỉnh “Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến năm 2035” để trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Trần Đình Hà