Ngày 10/6/2023, tại Hà Nội, các Hội và Hiệp hội chuyên ngành vật liệu xây dựng cùng Viện Vật liệu xây dựng và Công ty Cổ phần Eurowindow tổ chức Tọa đàm “Thị trường Vật liệu xây dựng – những điểm nghẽn và giải pháp” nhằm đánh giá về tình hình sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm VLXD chủ yếu và trao đổi, phân tích đa chiều về những điểm nghẽn và các giải pháp khơi thông thị trường tiêu thụ các sản phẩm VLXD.
Các chuyên gia thảo luận tại buổi Tọa đàm
Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu vốn, dân thiếu việc làm, lãi suất ngân hàng cao, thuế cao so với điều kiện thực tế khiến thị trường vật liệu xây dựng hầu như ngưng trệ.
Theo ông Đinh Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, ngành gạch ceramic Việt Nam đã và đang phát triển rất mạnh, xếp thứ 4 về sản lượng sản xuất ceramic trên thế giới. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay sản xuất và kinh doanh đã sụt giảm 30-35%, đặc biệt là năm 2022 và quý I/2023, thị trường gốm sứ xây dựng hầu như đóng băng cả trong sản xuất và lưu thông.
Do khó khăn bởi dịch COVID-19, từ năm 2021, lượng sản xuất chỉ đạt khoảng 50 – 60% sản lượng đầu tư, ảnh hưởng tới hiệu quả của toàn ngành.
Tham gia tọa đàm, ông Đình Quốc Thái – Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, thị trường nguyên vật liệu thép toàn cầu biến động tăng giảm thất thường. Trong những tháng đầu năm, các đơn vị đã điều chỉnh giá bán thép xây dựng 3 lần với tần suất giảm một lần/ tuần, nhưng sức tiêu thụ của thị trường vẫn rất yếu.
Tương tự, ngành kính xây dựng cũng có điểm nghẽn. Giai đoạn 2020 – 2021, ước tính có khoảng 80% các đơn vị gia công, lắp đặt kính tạm dừng sản xuất kinh doanh. Các nhà máy sản xuất buộc phải thực hiện 3 tại chỗ do giãn cách khiến chi phí tăng cao, lợi nhuận giảm sút nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp đã chịu lỗ lớn trong thời gian này.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện vật liệu xây dựng phát triển cao, sản lượng vượt so với nhu cầu sử dụng trong nước từ 10-30%. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế suy giảm, Chính phủ nên có chính sách tháo gỡ kịp thời đối với ngành này. Về phía doanh nghiệp nên điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất để tương ứng lực cầu; đồng thời áp dụng giải pháp khoa học công nghệ để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh.
Theo ông Lê Quang Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bê tông Việt Nam, thị trường vật liệu xây dựng hiện nay chia làm nhiều nhóm. Với loại vật liệu để làm đắp đường (đất đắp, bê tông nhựa), nhu cầu luôn có nhưng không cung ứng kịp. Còn về bê tông xi măng thép cốt xây dựng, điểm nghẽn chính là tiêu thụ.
Cùng trao đổi tại buổi Tọa đàm, đại diện các Hội, Hiệp hội về vật liệu xây dựng cơ bản nhận định: để giải quyết khó khăn, cần đẩy mạnh đầu tư công để đạt 95-100% của kế hoạch năm 2023; đồng thời, cần chú trọng khơi thông dòng vốn cho bất động sản, nhất là bất động sản công nghiệp, nhà ở và khẩn trương đơn giản thủ tục cho gói 120.000 tỷ để người dân được vay vốn kịp thời.
Để “cứu” các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, các Hội, Hiệp hội kiến nghị Nhà nước có các chính sách hỗ trợ nhằm giải tỏa các vướng mắc về mặt pháp lý khi triển khai dự án; thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhằm thúc đẩy sự hồi phục của thị trường bất động sản; thúc đẩy giải ngân, triển khai các dự án đầu tư công, có biện pháp khơi thông việc huy động vốn (trái phiếu doanh nghiệp)...
Các chuyên gia cũng đề xuất giải pháp thi công xây dựng các cầu cạn cho phát triển đường giao thông, sử dụng cát biển thay thế cho cát sông, vừa giải quyết được tình trạng thiếu đất đắp nền, vừa giải quyết tình trạng sụt lún, nước biển dâng tại khu vực trũng thấp.
Theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, ngay sau tọa đàm, Hội sẽ sớm báo cáo Chính phủ, Quốc hội thực trạng và kiến nghị, đề xuất các giải pháp tháo gỡ cho ngành vật liệu xây dựng.