Tại buổi làm việc, Trưởng nhóm Kinh tế WB Sandeep Mahajan đã trình bày báo cáo của WB về vấn đề đô thị hóa và chuyển đổi không gian đô thị ở Việt Nam trong Báo cáo Việt Nam 2035, trong đó nêu bật xu hướng phát triển chung của các đô thị trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Báo cáo đánh giá hoạt động kinh tế ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, đồng thời nhấn mạnh đô thị hóa là nhân tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam. Theo ông Sandeep Mahajan, công nghiệp hóa và đô thị hóa là 2 quá trình song hành, một đất nước có tỷ lệ đô thị hóa càng cao thì càng phát triển và thịnh vượng.
Báo cáo Việt Nam 2035 của WB cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam đối mặt trong quá trình đô thị hóa, như tính liên kết vùng chưa cao, áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông ở các đô thị ngày càng lớn do lượng người từ nông thôn di cư ra các đô thị lớn ngày càng tăng,…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đồng tình với những đánh giá của WB đối với xu hướng phát triển đô thị trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh hiện nay người dân có xu hướng tìm đến những đô thị có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thuận tiện hơn so với các khu vực ở nông thôn. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá đô thị là nơi tạo ra sản phẩm hàng hóa và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của một đất nước, do đó đô thị là cơ sở đồng thời cũng là động lực phát triển của mỗi quốc gia.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định ở mỗi quốc gia khác nhau cần có thể chế, cách thức tiếp cận, khắc phục những khó khăn, thách thức khác nhau trong quá trình phát triển đô thị. Nếu một quốc gia chỉ áp dụng cơ chế thị trường thuần túy trong việc phát triển đô thị, sẽ dẫn đến việc người dân chủ yếu tập trung về các thành phố lớn, gây nên sự mất cân bằng trong quá trình phát triển cũng như sự chênh lệch trong đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực của một quốc gia. Bộ trưởng cho biết, hiện nay Việt Nam rất chú trọng xây dựng thể chế phát triển đô thị, coi đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong phát triển đô thị, vừa đảm bảo cơ chế thị trường song không tách rời sự quản lý của Nhà nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến chiến lược phát triển đô thị, nhằm tạo ra đô thị ở từng vùng, từng địa phương, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng, địa phương đó. Điều này thể hiện chủ trương, định hướng phát triển đô thị ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là một giải pháp quan trọng trong việc khắc phục sự chênh lệch giữa các đô thị cũng như tránh sự tập trung hóa đô thị của Việt Nam. Mặt khác, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng của Việt Nam thể hiện rõ sự quan tâm sát sao đối với công tác lập, phê duyệt cũng như quản lý thực hiện quy hoạch phát triển đô thị ở Việt Nam, như: Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, cũng như ở các Nghị định về quản lý đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật,… Công tác quản lý quy hoạch được thực hiện trên cơ sở lập kế hoạch phát triển của mỗi đô thị, gắn quy hoạch với kế hoạch, gắn việc thực hiện kế hoạch với khả năng nguồn lực của từng địa phương nhằm tránh đầu tư dàn trải, tự phát.
Quang cảnh buổi làm việc.
Một trong những nội dung quan trọng khác được Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đó là: Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đặc biệt chú trọng cấu trúc lại thị trường nhà ở, thị trường bất động sản. Thay vì quan tâm đến nhà ở với những căn hộ tiện nghi, cao cấp, diện tích rộng, thì hiện nay Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp, diện tích nhỏ, trọng tâm là nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của Nhà nước. Cấu trúc lại thị trường nhà ở vừa giúp các tầng lớp người dân đều có cơ hội sở hữu nhà ở với giá thành hợp lý vừa giúp nâng cao diện mạo đô thị Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nêu lên các dự án cần ưu tiên hợp tác giữa Bộ Xây dựng và WB trong thời gian tới, đó là Dự án Cấp nước an toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Dự án Phát triển đô thị quốc gia khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên, các dự án thuộc lĩnh vực giao thông, thoát nước, khu vực có thu nhập thấp, nhà ở, tái định cư, hạ tầng xã hội,…
Bà Victoria Kwakwa bày tỏ sự nhất trí cao đối với các dự án quan trọng được Bộ Xây dựng xác định ưu tiên hợp tác với WB trong thời gian tới. Theo Bà Victoria Kwakwa, dự án Cấp nước an toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long là dự án lớn, đặc biệt quan trọng, đòi hỏi sự chu toàn trong các bước phối hợp, triển khai, đồng thời cho biết WB sẽ cố gắng hỗ trợ Việt Nam một cách tốt nhất trong việc thực hiện Dự án này.
Trần Đình Hà