Trình bày tóm tắt nội dung các nghiên cứu, ThS. Phạm Đức Nhuận cho biết: công nghệ truyền thống xây tường bao che và tường ngăn tại Việt Nam (xây – trát) đòi hỏi nhiều nhân công, vật tư và thời gian thi công, thiếu thuận tiện do sử dụng vật liệu rời được vận chuyển từ nơi khác đến công trường thi công. Công nghệ thi công tường lắp ghép mới được áp dụng vào xây dựng các công trình trong nước thời gian gần đây, chủ yếu là áp dụng vách ngăn từ vách thạch cao hoặc ván xi măng - sợi, gồm một hoặc hai lớp, rỗng giữa chứa không khí. Tại các công trình có yêu cầu đặc biệt về cách âm, bông thủy tinh được sử dụng nhồi vào khoang giữa. Trong khi đó, các nước trên thế giới thường chế tạo tường panen tại chỗ bằng việc kết hợp giữa kỹ thuật lắp dựng ván xi măng - sợi 2 mặt và bơm bê tông nhẹ làm lõi. Công nghệ này có rất nhiều ưu điểm: kết cấu nhẹ, hiệu quả cách âm cách nhiệt cao hơn hẳn, hiệu quả kinh tế lớn do giảm được chi phí xây móng, có thể giảm số lượng dầm cột và các kết cấu chuyển tiếp, giảm thời gian thi công. Đề tài được thực hiện nhằm nghiên cứu lựa chọn vật liệu và quy trình thi công thích hợp cho tường panen nhẹ; ứng dụng thử nghiệm tường panen nhẹ làm tường bao, tường ngăn cho một số bộ phận trong một công trình từ đó đánh giá hiệu quả kinh tế - kỹ thuật và sinh thái của tường panen nhẹ.
Trong quá trình thực hiện, nhóm đề tài đã nghiên cứu chế tạo tường nhẹ dạng panen kẹp có hai tấm mặt là ván xi măng - sợi được sản xuất trong nước; lõi bê tông nhẹ cốt liệu rỗng polystirol nở.(qua đó chỉ ra khả năng tận dụng một lượng lớn phế thải xây dựng như tro xúc tác thải, bao bì polystirol phế thải, bột đá thải). Bên cạnh đó, nhóm đã tiến hành kiểm nghiệm, đánh giá một số tính chất cơ lý, hóa lý của vật liệu panen kẹp theo các yêu cầu kỹ thuật của tường bao và vách ngăn; triển khai ứng dụng panen kẹp vào 02 nhà làm việc của Công ty kỹ thuật cao FICO và công ty CP Nam Việt theo hai phương án thi công - đổ tại chỗ và đúc sẵn. Qua đó, trong phạm vi đề tài, nhóm đã đề xuất quy trình chế tạo và thi công tường nhẹ panen kẹp theo hai phương án, gồm cả công tác lắp đặt đường điện, nước và trang trí bề mặt.
Nhận xét về đề tài, Hội đồng đánh giá rất cao khối lượng công việc thực hiện cũng như các kết quả mà nhóm đề tài đạt được. Tuy nhiên, đây là một đề tài khoa học nên các tác giả cần lưu ý cân đối giữa tính nghiên cứu khoa học và tính ứng dụng. Sản phẩm của đề tài tuy có độ tin cậy cao song cần tiếp tục kiểm nghiệm thêm trên thực tế, bởi vì đây là giải pháp kết cấu tường mới được nghiên cứu lần đầu tại Việt Nam.
Đồng tình với các nhận xét, đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng – TS.Lê Trung Thành nhất trí thông qua đề tài, kết quả bỏ phiếu xếp loại Xuất sắc.
Lệ Minh