Báo cáo tóm tắt sự cần thiết, nội dung đề tài và quá trình thực hiện, thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Cao Duy Khôi cho biết: nhà ở và các công trình cao tầng nói chung hiện nay đã trở nên phổ biến ở nước ta. Đáp ứng nhu cầu thực tế, hệ thống tiêu chuẩn - quy chuẩn phục vụ việc thiết kế các kết cấu riêng biệt trong công trình xây dựng cũng ngày càng được hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thiếu một tiêu chuẩn tổng hợp chứa đựng các yêu cầu tổng thể từ nhiều góc độ khác nhau gồm kiến trúc, kết cấu, cơ điện, an toàn cháy đối với nhà cao tầng, đặc biệt đối với những tòa nhà có chiều cao trên 75m. Về lĩnh vực này, thế giới đã có rất nhiều kinh nghiệm. Tiêu chuẩn TCH 31-332-2006 “Nhà ở và công trình công cộng cao tầng” là một trong các tiêu chuẩn của Liên bang Nga phục vụ cho công tác thiết kế, vận hành khai thác các công trình cao tầng nói chung, và đã được nhóm biên soạn lựa chọn chuyển dịch để xây dựng Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia “Nhà ở và công trình công cộng cao tầng – Yêu cầu thiết kế”. Hầu hết các tiêu chuẩn về thiết kế của Việt Nam hiện nay đều theo hệ tiêu chuẩn của Liên bang Nga, do đó, việc chọn dịch tiêu chuẩn TCH tương đối phù hợp với thực tế xây dựng của Việt Nam, đồng thời đáp ứng tiến trình hội nhập trong lĩnh vực liên quan.
Dựa trên việc chuyển dịch tiêu chuẩn gốc TCH, đồng thời qua nghiên cứu thực tế ở nước ta: điều kiện tự nhiên (môi trường, khí hậu, nhiệt độ, địa chất, hướng nắng và gió…), những yêu cầu về mặt pháp lý, quy định thiết kế…và qua tham khảo các tài liệu liên quan trong nước và nước ngoài, nhóm biên soạn đã hoàn thành Dự thảo tiêu chuẩn gồm 17 phần (ngoài các phần theo bố cục chung của một văn bản tiêu chuẩn như phạm vi áp dụng, định nghĩa thuật ngữ, nhóm đã chuyển dịch đầy đủ các phần của tiêu chuẩn gốc: giải pháp quy hoạch kiến trúc; nền và móng; các giải pháp kết cấu phần thân; thông gió và điều hòa không khí bên trong tòa nhà; cấp điện - nước…), và chọn dịch 06 phụ lục phù hợp đi kèm.
Các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đã đánh giá cao nỗ lực, phương pháp xây dựng Dự thảo rất khoa học của nhóm biên soạn. Để dự thảo tiêu chuẩn được hoàn thiện, có tính khả thi và tính ứng dụng cao vào thực tế xây dựng của Việt Nam, Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng về cách chuyển dịch; thảo luận về một số nội dung nên lược bỏ hoặc nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp hơn khi áp dụng vào Việt Nam. Một số câu chữ, thuật ngữ cũng được Hội đồng kiến nghị chuyển dịch chính xác để người đọc dễ hiểu, đồng thời đáp ứng văn phong của một văn bản tiêu chuẩn.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng - TS.Nguyễn Trung Hòa đề nghị nhóm biên soạn khẩn trương hoàn chỉnh Dự thảo tiêu chuẩn trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp trước tháng 8/2015. TS. Hòa nhấn mạnh: cần làm sao đáp ứng mục tiêu cuối cùng là đưa Dự thảo vào với hệ thống tiêu chuẩn - quy chuẩn thiết kế hiện hành của Việt Nam, và có tính khả thi cao khi vận dụng vào thực tế.
Đề tài đã được nghiệm thu với kết quả xếp loại Khá.
Phòng TT-TL