Nghiệm thu đề tài Tiêu chuẩn thiết kế kháng chấn công trình
Thứ hai, 29/05/2006 00:00
Ngày 25/5/2006, Hội đồng khoa học chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tiến hành nghiệm thu đề tài Tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam - Thiết kế kháng chấn công trình , mã sốTC 73-05do Viện Khoa học công nghệ xây dựng chủ trì thực hiện, GS.TSKH Nguyễn Đăng Bích là chủ nhiệm đề tài.
Dự thảo Tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam - Thiết kế kháng chấn công trình được triển khai xây dựng chủ yếu theo Đề tài biên soạn TCXDVN " Thiết kế nhà và công trình chịu động đất - Tiêu chuẩn thiết kế " theo Eurocode 8. Trong quá trình biên soạn Tiêu chuẩn này có sử dụng nhiều tài liệu tham khảo chung khác từ Eurocode 0 EN 1990 đến Eurocode 7 EN 1997-1-1. Tiêu chuẩn này còn bao gồm các tài liệu tham khảo khác được trích dẫn tại chỗ phù hợp trong văn bản tiêu chuẩn như: ISO 1000, EN 1090-1...
Tiêu chuẩn này áp dụng để thiết kế các công trình nhà xây dựng trong vùng có động đất. Mục đích của tiêu chuẩn này là để bảo đảm trong trường hợp có động đất thì sinh mạng con người được bảo vệ, các hư hỏng được hạn chế, những công trình quan trọng có chức năng bảo vệ dân sự vẫn có thể duy trì hoạt động. Những công trình đặc biệt như nhà máy điện hạt nhân, công trình ngoài khơi và các đập lớn nằm ngoài phạm vi quy định của tiêu chuẩn này. Ngoài những điều khoản của các tiêu chuẩn khác có liên quan, tiêu chuẩn thiết kế này chỉ bao gồm những điều khoản buộc phải tuân theo khi thiết kế công trình trong vùng động đất. Tiêu chuẩn này bổ sung về khía cạnh kháng chấn cho các tiêu chuẩn khác.
Cấu trúc của Tiêu chuẩn được chia thành 10 chương, trong đó có một số chương dành riêng cho thiết kế nhà. Chương 2 bao gồm những yêu cầu về công năng cơ bản và các tiêu chí cần tuân thủ áp dụng cho nhà và công trình xây dựng trong vùng có động đất. Chương 3 bao gồm những quy định biểu diễn tác động động đất và việc tổ hợp chúng với các tác động khác. Chương 4 bao gồm những quy định thiết kế chung, đặc biệt liên quan đến nhà. Chương 10 bao gồm những yêu cầu cơ bản và các khía cạnh cần thiết khác của việc thiết kế độ an toàn có liên quan tới kháng chấn công trình. Trong Tiêu chuẩn còn có nhiều Phụ lục quan trọng kèm theo: Phụ lục tham khảo A và Phụ lục tham khảo B bao gồm những quy định bổ sung liên quan đến phổ phản ứng chuyển vị đàn hồi và liên quan đến chuyển vị mục tiêu trong phân tích phi tuyến tĩnh, Phụ lục giá trị của hệ số ứng xử q, Phụ lục bản đồ phân vùng gia tốc nền lãnh thổ Việt Nam, Phụ lục phân vùng gia tốc nền theo địa danh hành chính, Phụ lục kết cấu móng và các vấn đề địa kỹ thuật, Phụ lục Phân cấp, phân loại công trình...
Thiết kế kháng chấn công trình là một Tiêu chuẩn rất quan trọng liên quan đến độ an toàn cho nhà và công trình trong vùng có động đất. Mặc dù còn nhiều điều phải chỉnh sửa cho thống nhất về từ ngữ và dịch thuật, song Tiêu chuẩn này sẽ sớm được ban hành để đáp ứng được yêu cầu cấp bách cho đội ngũ những người làm công tác thiết kế, thi công xây dựng công trình.
Đề tài Tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam - Thiết kế kháng chấn công trình đã được Hội đồng khoa học chuyên ngành Bộ Xây dựng nghiệm thu và đạt loại khá.
Nguyễn Thị Đỗ Hạo