Trình bày lý do và sự cần thiết lập Đề án, đại diện UBND thành phố Châu Đốc cho biết: Châu Đốc là đô thị tỉnh lỵ tỉnh An Giang. Với vị trí “đắc địa” để phát triển kinh tế xã hội, giao thương và giao lưu văn hóa với các địa phương trong vùng và với các vùng miền khác nhau (nằm giữa 3 cửa khẩu kinh tế là cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương và cửa khẩu quốc gia Khánh Bình; nằm ở ngã ba sông nơi tiếp giáp của sông Hậu và sông Châu Đốc), Châu Đốc có đầy đủ tiềm năng phát triển thành trung tâm văn hóa - thương mại - dịch vụ du lịch không chỉ của tỉnh An Giang mà còn của cả vùng ĐBSCL. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam và quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam – Campuchia đều xác định Châu Đốc là trung tâm kinh tế, dịch vụ và du lịch cấp vùng, có vai trò đặc biệt về an ninh quốc phòng. Thành phố Châu Đốc cùng với đô thị Tịnh Biên, Tân Châu nằm dọc tuyến biên giới Tây Nam tạo lá chắn vững chắc che chở cho vùng đất An Giang và vùng ĐBSCL, đảm bảo sức mạnh kinh tế quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Ông Võ Anh Kiệt – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu trong Hội nghị
Trong quá trình xây dựng và phát triển, được sự quan tâm của TW và chính quyền địa phương, Châu Đốc đã có những bước tiến vững vàng, có những thay đổi căn bản về diện mạo và chất lượng đô thị. Không gian đô thị được mở rộng; tốc độ đô thị hóa nhanh; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư nâng cấp đáng kể. GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt hơn 2800 USD - bằng 1,46 lần so với thu nhập bình quân đầu người trên cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố năm 2014 ở mức khá cao 15,7%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố giảm xuống còn 1%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với việc khai thác, bảo tồn và phát triển các nguồn lực. Địa phương có những chính sách khai thác hợp lý các thế mạnh về điều kiện đất đai, sông ngòi, sinh thái để phát triển nông nghiệp và thủy sản; bên cạnh đó chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp và xây dựng: thành lập 2 cụm công nghiệp Vĩnh Mỹ, Vĩnh Tế; nâng cấp mở rộng trục Châu Đốc – Núi Sam, xây mới nhiều công trình văn hóa cộng đồng, công trình TDTT; …qua đó nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng trên địa bàn, đồng thời góp phần khai thác tốt tiềm năng du lịch, với những địa điểm nổi tiếng và hấp dẫn về du lịch tâm linh, du lịch văn hóa như lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam…
Căn cứ theo Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 7/5/2009 của Chính phủ về việc Phân loại đô thị và Thông tư số 34/2009/TT-BXD ngày 30/9/2009 của Bộ Xây dựng về việc Quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định 42/2009/NĐ-CP, Châu Đốc hội tụ đủ điều kiện để xét nâng lên đô thị loại II trực thuộc tỉnh An Giang.
Các báo cáo phản biện của Bộ Nội vụ và Vụ Quy hoạch Kiến trúc - Bộ Xây dựng, báo cáo thẩm định của Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng cũng như các thành viên khác trong Hội đồng đều đánh giá cao những kết quả Châu Đốc đã đạt được trong lộ trình phấn đấu trở thành đô thị loại II, với 27/49 chỉ tiêu đạt tối đa, chỉ có 03 chỉ tiêu chưa đạt (xử lý nước thải, rác thải). Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để lãnh đạo tỉnh và thành phố nghiên cứu hoàn thiện Đề án, phát huy hơn nữa các lợi thế sẵn có, khắc phục các nhược điểm còn tồn tại, vì sự phát triển bền vững của Châu Đốc trong tương lai.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng thẩm định - Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh hoàn toàn nhất trí với các thành viên Hội đồng, công nhận thành phố Châu Đốc là đô thị loại II trực thuộc tỉnh An Giang với số điểm trung bình 85,91. Ghi nhận những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang nói chung và thành phố Châu Đốc nói riêng suốt 8 năm qua (kể từ khi Châu Đốc được công nhận là đô thị loại III vào năm 2007, và công nhận là thành phố năm 2013), Thứ trưởng cũng lưu ý địa phương cần tập trung giải quyết tốt một số nhiệm vụ trong thời gian tới. Đối với thành phố Châu Đốc, Thứ trưởng đề nghị chú trọng phát triển môi trường bền vững; chú trọng tính chất đa tín ngưỡng, đặc trưng thành phố sông nước vùng ĐBSCL; phát triển du lịch tâm linh song song với phát triển du lịch sinh thái. Đối với tỉnh, Thứ trưởng kiến nghị cần nhanh chóng xây dựng chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh. Không chỉ quan tâm đầu tư cho 02 đô thị loại II là Long Xuyên và Châu Đốc, Lãnh đạo tỉnh An Giang cũng cần có những định hướng cụ thể, phân bổ nguồn lực hợp lý và kiểm soát tốt tiến trình nâng cấp đô thị cho 19 đô thị loại V trong tỉnh lên loại IV và cao hơn, nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân An Giang, phát triển An Giang bền vững.
Phòng TT-TL