Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Lò Mai Trinh, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh tiếp Đoàn.
Theo lãnh đạo tỉnh, Điện Biên là một tỉnh biên giới phía Bắc nghèo, tỷ lệ ngân sách Trung ương cấp trên 90%, tỷ lệ hộ nghèo trên 31%. Khó khăn lớn nhất đối với Điện Biên là thu hút đầu tư. Mặc dù tỉnh đã thực thi nhiều chính sách huy động nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, tuy nhiên vẫn không đáp ứng được nhu cầu đầu tư trong một số lĩnh vực như: phát triển hạ tầng đô thị; các vấn đề về nhà ở cho các cán bộ, công chức, công nhân lao động và những người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh; nhu cầu tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa để đầu tư xây dựng các công trình xã hội.
Tại Điện Biên, hạ tầng kỹ thuật xã hội còn kém, 2 xã chưa có đường ô tô vào trung tâm, cả tỉnh chưa có khu công nghiệp và cũng không có các dự án thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Phải đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên, sau khi tách tỉnh từ năm 2004, tại Điện Biên các đô thị từ trung tâm tỉnh lỵ đến các huyện lỵ đều được tập trung nguồn vốn đầu tư. Đô thị phát triển theo hướng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Nhờ đó, hệ thống đô thị của tỉnh Điện Biên đã thay đổi nhanh chóng cả về số lượng quy mô và chất lượng đô thị. Kiến trúc có nhiều đổi mới, khang trang hơn; hệ thống hạ tầng kỹ thuật xây dựng theo hướng đảm bảo dài hạn, đồng bộ, bền vững.
Cho đến nay 100% các đô thị trong tỉnh đều đã có quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt, quản lý trật tự xây dựng đã đi vào nề nếp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đầu tư xây dựng được ưu tiên.
Điện Biên hiện đang thực hiện tích cực các chương trình dự án trọng điểm như: Đề án 79 về sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh huyện Mường Nhé đến năm 2015; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La; Chương trình đô thị miền núi phía Bắc;
Là tỉnh mới thành lập, Điện Biên trong quá trình phát triển mạnh với nhiều hạng mục đầu tư mới. Vì vậy, công tác quản lý đầu tư xây dựng được tăng cường, kiểm soát chặt chẽ từ khâu thẩm tra, thẩm định, phê duyệt, cấp phép…
Trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, tỉnh đã coi trọng điều kiện năng lực và làm rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn, chất lượng công trình; đồng thời hạn chế được thất thoát lãng phí đặc biệt là đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn nhà nước.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá: Điện Biên đã cụ thể hóa các quy hoạch bằng việc thực hiện đầu tư xây dựng theo kế hoạch, theo quy chế quản lý để tạo lập bộ mặt đô thị khang trang, đậm đà bản sắc địa phương.
Thời gian tới, Điện Biên cần đặc biệt quan tâm đến quy hoạch nông thôn mới. Đây là phần việc rất quan trọng, không chỉ là quy hoạch xây dựng mà còn là xác định các lĩnh vực sản xuất. Từ đó có kế hoạch sử dụng đất của các khu vực nông thôn, tăng hiệu quả phát triển. Quy hoạch đã được xác lập nhưng phải có chất lượng tốt. Địa phương phải hiểu rõ nhất những đặc điểm riêng của mình để cập nhật và có kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Quy hoạch mà không tốt sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư xây dựng, do đó quy hoạch phải gắn với phát triển các dự án và được giám sát chặt chẽ; đồng thời phải kế hoạch hóa đầu tư trung hạn để đáp ứng đủ nguồn vốn.
Để thu hút đầu tư, Bộ trưởng lưu ý, Điện Biên cần tạo điều kiện và cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, có kế hoạch và chủ động tạo môi trường đầu tư hấp dẫn với dịch vụ hạ tầng tốt.
Riêng đối với xây dựng nông thôn mới ở Mường Phăng - Bộ trưởng đề nghị địa phương phải đặc biệt quan tâm tới việc giữ gìn bắn sắc của miền đất lịch sử này. Bộ sẽ ủng hộ 2.000 tấn xi măng để hỗ trợ bà con Mường Phăng xây dựng đường giao thông nông thôn.
Theo : Báo Xây dựng điện tử.