Báo cáo với Hội đồng nghiệm thu về Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình kết cấu công trình bằng công nghệ 3D”, Chủ nhiệm đề tài -ThS. Phạm Đức Cương cho biết: việc xây dựng các mô hình trực quan về các kết cấu, bộ phận kết cấu chủ yếu của công trình phục vụ cho công tác giảng dạy là hết sức cần thiết, giúp sinh viên dễ hiểu bài hơn, nhận biết trực quan về cấu tạo, vị trí, tác dụng của mỗi bộ phận kết cấu công trình, tăng cường năng lực đọc, thể hiện bản vẽ xây dựng và phát triển kỹ năng thực hành. Dựa trên cơ sở chương trình giảng dạy kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn, các phần mềm Autodesk 3D, Studio Max, Photoshop và bản vẽ 2D, nhóm đề tài đã tiến hành xây dựng các hình ảnh 3 chiều cho các bộ phận điển hình của kết cấu công trình bê tông cốt thép, từ hạng mục móng cho đến mái, cùng những nội dung thuyết minh, chỉ dẫn cơ bản. Mô hình kết cấu công trình 3D bao gồm các mô hình động và bộ hình ảnh 3D chọn lọc. Mỗi mô hình động đều có thể xoay theo các góc quan sát khác nhau, có thể phóng to, thu nhỏ, thay đổi vị trí, đồng thời có thể bổ sung hoặc bỏ đi phần bê tông của kết cấu để che phủ hoặc nhìn thấy các loại cốt thép, thiết bị đặt bên trong kết cấu. Bên cạnh đó, nhóm đề tài đã lựa chọn 161 ảnh 3D của các bộ phận điển hình, thường gặp của kết công công trình bê tông cốt thép làm giáo cụ trực quan rất tiện ích cho việc giảng dạy của giáo viên và sự tiếp thu bài giảng của sinh viên.
Về đề tài “Nghiên cứu xây dựng bài giảng Học phần Kỹ thuật Thi công bằng phương pháp mô hình hóa dành cho bậc cao đẳng ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng”, Chủ nhiệm đề tài – ThS. Lương Văn Doanh cho biết: việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dạy và học là một xu hướng phổ biến hiện nay trên thế giới cũng như ở nước ta. Việc thể hiện bài giảng của giáo viên thông qua áp dụng phương pháp trình – chiếu mang lại hiệu quả rất tích cực, giúp cho sự tương tác cao hơn giữa giáo viên và sinh viên, giúp sinh viên tiếp thu bài giảng nhanh hơn, khối lượng kiến thức lớn hơn và kỹ năng thực hành được nâng cao.
Thực hiện nhiệm vụ KHCN do Bộ Xây dựng giao “Nghiên cứu xây dựng bài giảng Học phần Kỹ thuật Thi công bằng phương pháp mô hình hóa dành cho bậc cao đẳng ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng”, nhóm đề tài đã xây dựng bài giảng của Học phần Kỹ thuật thi công dựa trên phần mềm PowerPoint 2003, gồm 467 slide và hơn 20 video clip, gắn nội dung bài giảng với các hình ảnh minh họa trực quan, sinh động về công tác đất; thi công cọc;công tác bê tông và bê tông cốt thép; công tác lắp dựng; công tác xây; công tác hoàn thiện.
Đề tài “Xây dựng chương trình giáo trình đào tạo nghề: Mộc mỹ nghệ, Chạm khắc đá, Kỹ thuật điều khắc gỗ, Kỹ thuật sơn mài và khảm trai, bậc trình độ sơ cấp nghề áp dụng đào tạo cho lao động nông thôn” (gọi tắt là chương trình đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ bậc sơ cấp) do ThS. Cù Xuân Liệu và các cộng sự thực hiện đã dựa trên Chương trình khung về đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ bậc Trung cấp đã được Bộ Xây dựng phê duyệt để xây dựng chương trình đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ bậc sơ cấp cho các lớp ngắn hạn 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng. Mục tiêu của đề tài này hướng vào phục vụ công tác dạy nghề cho các lao động nông thôn, giúp họ có kiến thức và tay nghề để tạo dựng việc làm, tăng thu nhập kinh tế gia đình, góp phần thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ về xây dựng nông thôn mới. Bộ giáo trình dạy nghề thủ công mỹ nghệ trình độ sơ cấp là kết quả của Đề tài này, sau khi được Bộ Xây dựng thông qua và ban hành sẽ là tài liệu hữu ích cho các trung tâm, các cơ sở đào tạo nghề trên cả nước.
Nhận xét về các đề tài nghiên cứu khoa học của Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định, các ủy viên phản biện và chuyên gia của Hội đồng đều nhất trí về tính ứng dụng cao trong thực tiễn của các đề tài. Bên cạnh việc đóng góp một số ý kiến đề nghị các chủ nhiệm đề tài rà soát, chỉnh sửa hoặc bổ sung để hoàn thiện, các thành viên của Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu các đề tài và đề nghị Bộ Xây dựng sớm công bố để đưa vào áp dụng tại các trường Cao đẳng, Trung cấp Xây dựng cũng như các cơ sở đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ.
Minh Tuấn