BIM là công nghệ sử dụng mô hình 3 chiều (3D) để xây dựng, phân tích và truyền đạt thông tin của công trình. Mô hình này thể hiện các mối liên hệ về mặt không gian, thông tin hình học, kích thước, số lượng, cấu tạo vật liệu của cấu kiện, bộ phận công trình.
BIM cũng có khả năng thể hiện toàn bộ vòng đời của một công trình xây dựng, từ khâu thiết kế, thi công đến vận hành, sử dụng.
Ông Nguyễn Trung Hòa, Vụ trưởng Vụ KHCN&MT đề nghị các đơn vị phía Phần Lan hỗ trợ Viện Kinh tế xây dựng, đơn vị đầu mối của Bộ Xây dựng, nghiên cứu, xây dựng lộ trình áp dụng công nghệ BIM cho các hoạt động xây dựng tại Việt Nam, trong đó phải phân tích các vấn đề về: đào tạo nguồn lực, pháp lý, thể chế.
Ông Nguyễn Trung Hòa cũng chỉ định thí điểm áp dụng BIM cho một dự án phát triển đô thị, bao gồm các công trình hạ tầng, công trình hạ tầng xã hội nằm trong khu đô thị; và dự án này nên là dự án đang triển khai.
Lý giải về việc này, ông Nguyễn Trung Hòa nói: “Một dự án phát triển đô thị phải kéo dài khoảng 5-10 năm, nên việc lựa chọn các dự án đang triển khai là hợp lý nhất, nếu lựa chọn một dự án mới bắt đầu thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Hồ sơ, tài liệu về thiết kế, xây dựng của dự án đang triển khai vẫn còn lưu trữ tốt sẽ đáp ứng được yêu cầu thông tin của BIM về quy hoạch, hạ tầng, các công trình hạ tầng, nhà cửa và các công trình khác trên mặt đất”.
Ông Nguyễn Trung Hòa cũng nhấn mạnh, dự án không thể thiếu các nội dung như: Xây dựng lộ trình áp dụng, xây dựng hướng dẫn áp dụng BIM tại Việt Nam, hoạt động đào tạo nâng cao năng lực, hoạt động nghiên cứu phát triển BIM ở Việt Nam.
“Để làm được điều này, cần có sự phối hợp của các doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu thì mới khả thi, nhất là trong phát triển các tiêu chuẩn, đặc biệt là các tiêu chuẩn trao đổi dữ liệu của BIM”, ông Nguyễn Trung Hòa nói.
Phần Lan là một đất nước có kinh nghiệm trong nghiên cứu và áp dụng BIM từ lâu, đặc biệt là áp dụng BIM trong kết cấu và công nghệ xây dựng.
Trước đó, nhóm chuyên gia nghiên cứu và áp dụng BIM của Phần Lan đã có nhiều buổi làm việc với các vụ, cục của Bộ Xây dựng. Tại buổi làm việc lần này, nhóm chuyên gia đã trình bày những phát triển trong công nghệ mới ở Phần Lan, cơ sở dữ liệu mở và một số dự án áp dụng công nghệ BIM.
Nhóm chuyên gia này cho biết, những tiêu chuẩn của BIM là kết quả của việc phối hợp giữa con người với nhau, trong tất cả quy trình làm việc của cả vòng đời dự án. Hay nói cách khác, nhóm này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp giữa con người với con người trong một dự án áp dụng BIM (kiến trúc sư, kỹ sư, nhà thầu, chủ công trình, quản lý thiết bị, bảo trì, bảo dưỡng…).
Một chuyên gia của nhóm nói, tại Đại học Oulu, họ đã bắt đầu công việc nghiên cứu về mô hình thông tin công trình cũng như tự động hóa trong xây dựng từ rất lâu. Việc phát triển BIM là một hệ thống thông tin vô cùng quan trọng trong ngành xây dựng.
Mô hình thông tin công trình dành riêng cho hạ tầng kỹ thuật của nhóm này cho thấy, nó có thể sử dụng cho rất nhiều giai đoạn trong một dự án như: Đo đạc, thiết kế, quản lý hay sửa chữa, bảo dưỡng công trình; cung cấp cho người thiết kế, giúp người thiết kế tạo dựng được mô hình thông tin công trình, có thể dùng để quản lý công tác thi công.
Theo : Báo Xây dựng điện tử.