Khắc phục hạn chế của đô thị tập trung
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Hưng Yên là tỉnh giàu truyền thống văn hóa cách mạng. Những năm qua, tỉnh đã có bước phát triển rất ngoạn mục, nhất là trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.
Đặc biệt, Hưng Yên rất coi trọng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là quy hoạch (QH) chuyên ngành. QH vùng tỉnh đã đề cập đến những vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển tỉnh Hưng Yên sau này.
Liên quan đến công tác QH, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Hưng Yên cần chú trọng đến quy hoạch chi tiết, làm sao để phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa.
Bộ trưởng đồng tình với QH vùng của tỉnh Hưng Yên, trong đó nhấn mạnh Hưng Yên sẽ phát triển theo mô hình đô thị mạng lưới, với các đô thị nhỏ, xanh, văn minh, văn hóa. Điều đó sẽ khắc phục được những hạn chế của các đô thị tập trung hiện nay.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác phát triển nhà ở, đô thị ở Hưng Yên. Theo đó, bên cạnh những khu đô thị hiện đại, Hưng Yên rất quan tâm đến phát triển nhà ở cho người nghèo, người có công.
Việc phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân đã huy động được cộng đồng tham gia và đem lại hiệu quả thiết thực. Công tác quản lý VLXD cũng được tăng cường, đặc biệt là quản lý gạch nung để kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Liên quan đến công tác quản lý đầu tư xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Năm 2015 là năm thực hiện nhiều chính sách, Luật với những đổi mới căn bản, trong đó tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước.
Do đó, Bộ trưởng đề nghị tỉnh quan tâm đến việc tổ chức cơ cấu lại bộ máy nhà nước của các sở có liên quan đến đầu tư xây dựng cho phù hợp với quy định mới trong Luật.
Bộ trưởng cũng lưu ý, Hưng Yên cần phải có chính sách quản lý đô thị cho tương xứng với sự phát triển đô thị hiện nay, đồng thời tập trung đầu tư hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Về việc hỗ trợ vốn phát triển nhà ở theo Chương trình 167 của Chính phủ, Bộ trưởng cho biết: Hiện nay Chính phủ đã cân đối nguồn vốn hỗ trợ nhà ở cho gần 70 nghìn người có công. Số còn lại sẽ được cân đối vào ngân sách hàng năm.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Khu Đại học Phố Hiến và cho rằng về lâu dài, đây sẽ là nơi tập trung nhiều trường đại học lớn của cả nước, góp phần phát triển tỉnh Hưng Yên và giảm tải cho Thủ đô Hà Nội.
Thu ngân sách nhà nước đạt 7.100 tỷ đồng
Phát biểu với đoàn công tác của Bộ Xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Doãn Thế Cường cho biết: Năm 2014, tổng sản phẩm (GDP) của tỉnh tăng 7,25%, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 1,82%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,45%, giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ tăng 9,43%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 36 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp 14,8% - Công nghiệp, xây dựng 47,9% - Dịch vụ 37,3%.
Nếu như khi mới tách tỉnh, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên mới đạt 80 tỷ đồng, thì năm 2014, con số này đã đạt 7.100 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 2,1 tỷ USD. Trong năm có thêm 65 dự án công nghiệp đi vào hoạt động, đưa tổng số dự án thu hút trên địa bàn là 1.100, với số vốn đăng ký 2,7 tỷ USD và 72 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 4%. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới ước đạt 18.130 tỷ đồng; hết năm 2014, có 20 xã đạt tiêu chí Nông thôn mới.
Về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng: UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, trọng tâm là quản lý chất lượng công trình và chi phí xây dựng, nhất là công trình có sử dụng vốn nhà nước, công trình có quy mô lớn, phức tạp có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng.
Năm 2014 các sở đã thực hiện thẩm tra 154 hồ sơ thiết kế - dự toán công trình; số hồ sơ thiết kế phải trả lại để sửa đổi, bổ sung là 51 (33,4%); giá trị cắt giảm chi phí là 92 tỷ đồng, chiếm 6,7%. Đồng thời đã khắc phục tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, hạn chế điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư, chậm tiến độ làm lãng phí các nguồn lực đầu tư.
Coi trọng công tác quy hoạch
Trong công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị: Năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hưng Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng các huyện: Mỹ Hào, Văn Giang, Văn Lâm, khu vực Bô Thời - Dân Tiến; phê duyệt Quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho 100% số xã trong tỉnh, trong đó vừa giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, phát triển kinh tế, xã hội và thúc đẩy đô thị hóa các điểm dân cư tập trung. Quy hoạch xây dựng Khu Đại học Phố Hiến, quy hoạch bảo tồn tôn tạo phát huy giá trị Phố Hiến cổ, quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp...
Cùng với việc xây dựng thành phố Hưng Yên cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II, huyện Mỹ Hào trở thành Thị xã vào năm 2015, tỉnh cũng đã xây dựng Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hưng Yên đến năm 2020, định hướng 2030; trong đó định hướng xây dựng một số xã của huyện Văn Giang, khu vực Bô Thời - Dân Tiến (huyện Khoái Châu), các thị trấn đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV trước năm 2020.
Đặc biệt, năm 2014, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã quyết định công nhận Thị trấn Bần Yên Nhân mở rộng - đô thị Mỹ Hào là đô thị loại IV.
Ngoài ra, Hưng Yên đã tiếp nhận và có chủ trương tiếp nhận hơn 40 dự án đô thị, dự án khu dân cư mới, với tổng diện tích sử dụng đất là 2008ha; trong đó có một số khu đô thị có quy mô tương đối lớn như: Ecopak 500 ha, khu đô thị sinh thái Dreame City 460 ha, Hòa Phát 300 ha; Xuân Cầu 200 ha, HUD 145 ha, Xuân Thành 96 ha,....; các dự án trên đã được phê duyệt quy hoạch phân khu 1/2000, các đơn vị đang xúc tiến thực hiện các bước tiếp theo.
Chỉ số nhà ở tăng nhanh
Trong công tác phát triển nhà ở: Năm 2014, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 làm cơ sở lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh trong từng giai đoạn. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Nghị định số 188/2013/ND-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Tỉnh đã chỉ đạo mỗi xã quy hoạch 3ha đất (phù hợp với quy hoạch nông thôn mới) để đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở. Chủ trương này được các cấp và người dân đồng tình, ủng hộ, tạo điều kiện cho nhân dân có chỗ ở; góp phần tăng nhanh các chỉ số nhà ở, nhất là ở nông thôn, tăng nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện Chương trình hỗ trợ người có công về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ–TTg ngày của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương còn thiếu và ở mức thấp nhưng tỉnh đã trích ngân sách 21,22 tỷ đồng hỗ trợ thêm các hộ người có công với cách mạng (xây mới 10 triệu/căn, sửa chữa 5 triệu/căn); đến nay toàn tỉnh đã hoàn thành 685/848 nhà xây mới (80,8%); 1112/2548 căn nhà sửa chữa (43,6 %).
Năm 2011 - 2013, tỉnh Hưng Yên cũng đã hoàn thành sớm một năm Chương trình 167 về hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo ở nông thôn, với số 2.169 nhà được xây dựng, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 78 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh đã có 9 dự án nhà ở xã hội đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư. Đến hết năm 2014, diện tích nhà ở bình quân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đạt 19,64 m2 sàn/người.
Công tác quản lý VLXD được chú trọng: Hiện Hưng Yên đã xóa bỏ 100% các lò đốt gạch thủ công, đang khuyến khích các dự án sản xuất gạch không nung; toàn tỉnh hiện có 33 dự án sản xuất gạch đất nung theo công nghệ tuynel, tổng công suất 826,5 triệu viên /năm.
Cần sớm có cơ chế di dời các trường đại học?
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Xây dựng, Hưng Yên đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để sớm thực hiện chủ trương của Chính phủ di dời các trường đại học ở Hà Nội về Khu Đại học Phố Hiến. Đây là khu đại học lớn với diện tích khoảng 1.000ha, trong đó diện tích đất sử dụng xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ khoảng 700ha và diện tích sử dụng xây dựng đô thị khoảng 300ha. Khu Đại học Phố Hiến có thể đáp ứng nhu cầu cho khoảng 80.000 sinh viên và 500-1.000 cán bộ nhân viên của các cơ sở nghiên cứu, phát triển khoa học. Tuy nhiên, cơ chế chính sách khuyến khích các trường đại học di dời về Khu Đại học Phố Hiến hiện vẫn chưa đủ sức thuyết phục.
Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh, bổ sung danh mục nâng cấp, nâng loại, thành lập mới đô thị trong Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Quốc gia phù hợp với mục tiêu Chương trình phát triển đô thị của tỉnh; tạo điều kiện và giúp đỡ tỉnh đề nghị công nhận huyện Mỹ Hào trở thành thị xã, thành phố Hưng Yên đạt đô thị loại II vào năm 2015.
Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất với Chính phủ tiếp tục bố trí đủ nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân sách Trung ương để tỉnh Hưng Yên thực hiện hoàn thành Chương trình hỗ trợ người có công với Cách mạng về nhà ở trong năm 2015. Đặc biệt, cần chú trọng công tác quy hoạch xây dựng, kiến trúc nhà ở nông thôn để vừa phát triển nhà ở, vừa giữ được bản sắc làng quê trong quá trình đô thị hóa nhanh như hiện nay.
Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Hưng Yên thu hút các nguồn vốn đầu tư để thực hiện các Chương trình, dự án: nâng cấp, phát triển đô thị; xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đồng tình với những kiến nghị của tỉnh Hưng Yên và sẽ trình Chính phủ, phối hợp với các Bộ ngành Trung ương giải quyết theo thẩm quyền.
Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Hưng Yên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã đến dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba của Sở Xây dựng tỉnh Hưng Yên.
Phát biểu với các cán bộ CNVC ngành Xây dựng Hưng Yên, Bộ trưởng đánh giá cao những đóng góp tích cực của các thế hệ người lao động ngành Xây dựng Hưng Yên trong những năm qua đối với sự phát triển của tỉnh Hưng Yên.
Bộ trưởng cho rằng, kết quả đó là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xây dựng, phân bổ nguồn lực đầu tư hiệu quả, nâng cao chất lượng công trình, khắc phục thất thoát lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã tặng Bằng khen cho 9 cá nhân và 2 tập thể có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Theo : Báo Xây dựng điện tử.