Nghiệm thu Đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng sản xuất hàng loạt máy thi công xây dựng (máy xúc, máy ủi) phục vụ chương trình nội địa hóa các sản phẩm cơ khí xây dựng”

Thứ năm, 22/01/2015 08:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều ngày 21/01/2014, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tổ chức nghiệm thu Đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng sản xuất hàng loạt máy thi công xây dựng (máy xúc, máy ủi) phục vụ chương trình nội địa hóa các sản phẩm cơ khí xây dựng” – mã số RD 69-12 do Học viện Kỹ thuật Quân sự chủ trì thực hiện. TS. Nguyễn Trung Hòa – Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường, Bộ Xây dựng – Chủ tịch Hội đồng đã chủ trì hội nghị.

TS. Nguyễn Trung Hoà chủ trì hội nghị.

Thay mặt cho đơn vị chủ trì Đề tài, GS.TS Chu Văn Đạt – Chủ nhiệm Đề tài đã báo cáo tóm tắt với Hội đồng về kết quả nghiên cứu Đề tài. Theo báo cáo, ở nước ta hiện nay chưa có đơn vị nào sản xuất máy xây dựng nói chung và máy xúc thuỷ lực nói riêng. Việc chủ động thiết kế, sản xuất vật tư, phụ tùng thay thế của máy xúc thuỷ lực gầu nghịch trong nước là rất hạn chế, chỉ dừng lại ở công nghệ phục hồi là chủ yếu. Từ năm 2000 đến nay, Nhà nước đã có những cơ chế, chính sách thúc đẩy ngành cơ khí phát triển, tuy nhiên kết quả chưa được là bao, các sản phẩm cơ khí mang thương hiệu nội địa còn rất ít, tính cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế. Việc hợp tác, liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp còn chưa được phát huy, sự đầu tư của các doanh nghiệp còn dàn trái, chưa mang tính chuyên môn hoá sâu, năng lực công nghệ của các doanh nghiệp cơ khí chưa có tính bứt phá. Thêm vào đó, hiện nay chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu, đánh giá tổng hợp một cách chuyên sâu về năng lực thiết kế, chế tạo các sản phẩm cơ khí của các cơ sở thiết kế, cơ sở sản xuất cơ khí trong nước, cũng như chưa có công trình khoa học nghiên cứu khả năng thiết kế, chế tạo hàng loạt máy xây dựng nói chung và máy xúc thuỷ lực gầu nghịch nói riêng.

Để thúc đẩy nghiên cứu sản xuất máy thi công xây dựng nói chung và máy xúc thuỷ lực gầu nghịch nói riêng, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã chủ trì thực hiện Đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng sản xuất hàng loạt máy thi công xây dựng (máy xúc, máy ủi) phục vụ chương trình nội địa hoá các sản phẩm cơ khí xây dựng”. Mục tiêu của Đề tài là nghiên cứu khả năng sản xuất nội địa hoá hàng loạt máy xúc thuỷ lực gầu nghịch với tỷ lệ nội địa hoá từ 60 – 65 %. Trên cơ sở đó đề xuất phương án tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Trong quá trình thực hiện Đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát đánh giá nhu cầu sử dụng và thị trường tiêu thụ máy xúc thuỷ lực trong nước; đánh giá nhu cầu nội địa hoá sản xuất máy xúc thuỷ lực; phân tích và xác định các cụm, chi tiết, bộ phận máy xúc thuỷ lực hiện tại chưa có khả năng chế tạo trong nước; khảo sát, đánh giá khả năng nhập khẩu các cụm, chi tiết, bộ phận máy xúc thuỷ lực chưa có khả năng chế tạo trong nước; khảo sát, phân tích tình hình chế tạo máy xúc, máy ủi tại một số hãng lớn trên thế giới; nghiên cứu đề xuất phương thức tổ chức sản xuất loạt máy xúc thuỷ lực trong nước; đề xuất phương thức tiêu thụ sản phẩm và các cơ chế chính sách hỗ trợ; đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội của dự án, tác động của dự án đến sự phát triển của ngành cơ khí dân dụng và quốc phòng; đánh giá khả năng phát triển sản xuất các sản phẩm máy xây dựng khác phục vụ kinh tế, quốc phòng.

Đánh giá về kết quả thực hiện Đề tài, các uỷ viên phản biện và chuyên gia trong Hội đồng nghiệm thu đều đánh giá cao những kết quả đã đạt được của nhóm nghiên cứu. Đề tài đã hoàn thành tốt các nội dung đã đề ra, các sản phẩm nghiên cứu có chất lượng, công tác đánh giá tỉ mỉ, nghiên cứu, trình bày công phu. Ngoài ra, Đề tài đã đánh giá được năng lực của các doanh nghiệp sản xuất trong nước và nước ngoài, xác định được các mô hình phân công hợp tác sản xuất, đánh giá được tiềm năng về ngành cơ khí xây dựng … Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng cần lưu ý về việc phân tích, đánh giá về vật liệu chế tạo, trong nội dung đề xuất cần đề cập tới vấn đề thử nghiệm sản phẩm, trong báo cáo cần nêu lộ trình nội địa các sản phẩm cơ khí, làm rõ phần ngân sách của nhà nước và các doanh nghiệp, tên đề tài nên bỏ chữ “hàng loạt” …

Phát biểu kết luận Hội nghị, TS. Nguyễn Trung Hoà đồng tình với các ý kiến nhận xét và góp ý của các thành viên Hội đồng và đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đóng góp, bổ sung các nội dung còn thiếu để hoàn thiện báo cáo đề tài.

Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu với kết quả xếp loại xuất sắc.

Kim Nhạn
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)