Báo cáo với Hội đồng về kết quả nghiên cứu của Đề tài “Nghiên cứu thiết kế và xây dựng lò sấy sơ cấp gạch ngói tận dụng nhiệt khí thải lò nung”, Chủ nhiệm Đề tài – KS Đinh Quang Huy cho biết, công nghệ tuy nen sản xuất gạch đất sét nung đã phát triển ở Việt Nam được 25 năm với dây chuyền đầu tiên được lắp đặt tại Nhà máy gạch Hữu Hưng (Hà Nội). Hiện nay, cả nước có khoảng gần 600 dây chuyền sản xuất gạch tuy nen, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 10 tỷ viên gạch xây quy tiêu chuẩn, đáp ứng khoảng 40-50% nhu cầu vật liệu xây của cả nước.
Trong các công đoạn sản xuất gạch tuy nen, công đoạn phơi sấy sản phẩm mộc tiền nung đòi hỏi phải có diện tích sân phơi rộng, chi phí nhân công lớn. Trong điều kiện khí hậu của Việt Nam có độ ẩm không khí cao, hoạt động sản xuất gạch phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nhất là trong mùa mưa, mùa ẩm, khiến sản xuất không ổn định, ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhằm giải quyết những hạn chế đó, Bộ Xây dựng đã giao Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng chủ trì thực hiện Đề tài “Nghiên cứu thiết kế và xây dựng lò sấy sơ cấp gạch ngói tận dụng nhiệt khí thải lò nung” với mục tiêu tận dụng nhiệt thải lò nung cho công đoạn sấy sản phẩm mộc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho các doanh nghiệp và bảo vệ môi trường.
Thực hiện Đề tài, nhóm nghiên cứu của Hiệp hội gốm sứ xây dựng tiến hành thiết kế, lắp dựng lò sấy sơ cấp tận dụng nhiệt thừa của lò nung tại nhà máy gạch tuy nen Bá Hiến (Vĩnh Phúc) mang lại kết quả tốt. Lò sấy sơ cấp cho phép sấy gạch từ độ ẩm tạo hình (20-22%) xuống đến độ ẩm trung bình (10-12%) cho đủ cường độ mộc cần thiết để có thể xếp lên xe goòng với chiều cao xếp tối đa tới 19 lớp gạch tiêu chuẩn để đưa vào hầm sấy thứ cấp. Trong lò sấy sơ cấp, nhóm nghiên cứu đã tính toán tác nhân sấy (hỗn hợp khí nóng và khói lò), tính toán lượng nhiệt cần thiết để sấy gạch mộc đạt đến độ ẩm tiêu chuẩn. Điểm khác biệt của lò sấy này là có hệ thống quạt tuần hoàn, đảo gió đa chiều bố trí theo các hướng khác nhau. Khác biệt đó đã tạo nên các luồng gió rối di chuyển trong lò sấy, làm cho sự trao đổi nhiệt và độ ẩm được tăng cường giúp cho vật liệu khô nhanh và đều cả trong lẫn ngoài, năng lượng sấy được tận dụng triệt để, sự giải phóng ẩm ở bề mặt vật liệu ra môi trường được tăng cường hơn.
Đánh giá về kết quả của Đề tài, các ủy viên phản biện và chuyên gia của Hội đồng đều nhất trí cao về tính khả thi và ý nghĩa thực tiễn của Đề tài này. Kế quả nghiên cứu của Đề tài đã được áp dụng thử nghiệm trong thực tế sản xuất gạch tuy nen tại Công ty Cổ phần Bá Hiến đã cho thấy những lợi ích thiết thực về kinh tế, môi trường, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, mang lại những lợi ích rõ ràng cho doanh nghiệp. Hệ thống lò sấy sơ cấp do nhóm Đề tài nghiên cứu, chế tạo hoàn toàn có khả năng nhân rộng ứng dụng tại các cơ sở sản xuất gạch ngói đất sét nung khác. Các chuyên gia của Hội đồng cũng nhận định, giá trị của lò sấy sơ cấp tận dụng nhiệt khí thải lò nung tuy nen để sấy gạch mộc là rõ ràng, nhưng nên khuyến cáo hạn chế trong trường hợp sấy sản phẩm mỏng (ngói) vì lý do cần bảo vệ mầu sắc bề mặt sản phẩm cho mục đích trang trí.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Trần Đình Thái đồng tình với các ý kiến nhận xét và góp ý của các thành viên Hội đồng, đồng thời đánh giá cao tính khoa học và ý nghĩa thực tiễn của Đề tài. Kết quả của Đề tài phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu đã đề ra và đã được áp dụng thử nghiệm trong thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội và môi trường.
Để hoàn thiện báo cáo đề tài, Chủ tịch Hội đồng Trần Đình Thái đề nghị nhóm tác giả tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng, bổ sung những khuyến cáo trong phạm vi áp dụng đối với sản phẩm mỏng; trong các tính toán quy đổi lại hệ đo lường cho phù hợp với quy định của Việt Nam.
Kế quả của Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu với mức độ hoàn thành xuất sắc.
Minh Tuấn