Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trình bày tại Hội nghị, ngành Xây dựng bước vào thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch năm 2014 trong bối cảnh: tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo; trong nước kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả của nền kinh tế còn thấp; chất lượng, hiệu quả, năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của Ngành và của một số sản phẩm chủ yếu còn hạn chế; các doanh nghiệp ngành Xây dựng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển.
Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm 2014, Bộ Xây dựng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch, phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014; nghiêm túc triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp được nêu trong Nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực của Ngành. Trong đó, Bộ Xây dựng đã tập trung cao độ hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải các hành chính; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng; tăng cường quản lý đầu tư xây dựng và kiểm soát phát triển đô thị; tiếp tục thực hiện đồng bộ, kiên định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, lao động và cộng đồng doanh nghiệp toàn Ngành; sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ có hiệu của của các Bộ, Ban, Ngành và các địa phương, ngành Xây dựng đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực được phân công quản lý, đóng góp thiết thực cho sự tăng trưởng chung của cả nước.
Toàn cảnh Hội nghị
Năm 2014, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của ngành Xây dựng vẫn duy trì được sự tăng trưởng theo kế hoạch đề ra, góp phần vào những chuyển biến tích cực của nền kinh tế đất nước: Giá trị sản xuất ngành Xây dựng năm 2014 theo giá hiện hành đạt 840.000 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2003; Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 34,5% , tăng 1,03% so với năm 2013; Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 80%; Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt 84%; Diện tích nhà ở bình quân đạt khoảng 20,6m2 sàn/ người (tăng 1m2 so với 2013); cả nước có khoảng 1,8 triệu m2 nhà ở xã hội; Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 70,6 triệu tấn, đạt 110,3% kế hoạch, tăng 15% so với năm 2013.
Tập trung cao độ cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước ngành Xây dựng, năm 2014 Bộ Xây dựng đã hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua 03 dự án Luật quan trọng, bao gồm: Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) với những quan điểm, tư tưởng đổi mới căn bản, mang tính đột phá. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng hoàn thiện trình Chính phủ 19 dự án, đề án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và ban hành 21 Thông tư (trong đó có 03 Thông tư liên tịch) về các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Xây dựng.
Các cơ chế, chính sách mới ban hành với những quan điểm, tư tưởng đối mới đã được các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân và xã hội đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao, từng bước đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được Bộ hết sức quan tâm và thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật mà Bộ tham mưu trình các cấp thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.
Đồng thời với việc hoàn thiện hệ thống thể chế, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, trọng tâm là quản lý chất lượng công trình và quản lý chi phí xây dựng theo Nghị định số 15/2013/NĐ-CP. Theo báo cáo của 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong năm 2014 đã thực hiện thẩm tra 15.341 công trình, tỷ lệ hồ sơ thiết kế phải sửa đổi, bổ sung chiếm khoảng 43,8% tổng số hồ sơ được thẩm tra, tổng giá trị dự toán cắt giảm sau thẩm tra là 5.833 tỷ đồng/tổng giá trị dự toán trước thẩm tra 108.240 tỷ đồng (tương đương 5,39%). Qua kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào khai thác đối với 6.545 công trình, thì có 97% số công trình đạt yêu cầu, đủ điều kiện đưa vào sử dụng, còn lại khoảng 3% công trình được các cơ quan chuyên môn về xây dựng yêu cầu sửa chữa, bổ sung, khắc phục các khiếm khuyết trước khi đưa vào vận hành.
Công tác lập quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn năm 2014 cũng được Bộ Xây dựng quan tâm chỉ đạo thực hiện và có nhiều đổi mới; công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch đã chuyển biến tích cực, từng bước đảm bảo sự phát triển đô thị hài hòa, bền vững. Tính đến tháng 12/2014, cả nước có 774 đô thị (tăng 04 đô thị so với năm 2013), trong đó có 02 đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại I, 21 đô thị loại II, 42 đô thị loại III, 67 đô thị loại IV và 627 đô thị loại V. Các chỉ tiêu về tỷ lệ đô thị hóa, hạ tầng kỹ thuật đô thị đều có chuyển biến tích cực.
Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương xây dựng Chương trình phát triển nhà ở của địa phương. Đã có 34 tỉnh phê duyệt Chương tình, 06 tỉnh đã hoàn thành xây dựng Chương trình, 23 địa phương đang triển khai xây dựng Chương trình, dự kiến hoàn thành trong năm 2015.
Bộ Xây dựng cũng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các Chương trình nhà ở của Chính phủ như Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn II; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh lũ lụt khu vực miền Trung…
Về phát triển nhà ở xã hội, đến nay cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 102 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 38 dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp (19.686 căn hộ); 64 dự án nhà ở cho công nhân (20.277 căn hộ). Hiện nay đang tiếp tục triển khai 150 dự án, trong đó có 91 dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp (55.830 căn hộ), 59 dự án nhà ở công nhân (66.753 căn hộ). Chương trình phát triển nhà ở sinh viên đã có 75 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, giải quyết chỗ ở cho khoảng 145.000 sinh viên.
Năm 2014, tổng diện tích sàn nhà ở toàn quốc tăng thêm 92 triệu m2 so với năm 2013, cả nước đã phát triển thêm khoảng 0,8 triệu m2 nhà ở xã hội (tương đương 12.000 căn hộ) đưa tổng diện tích nhà ở xã hội toàn quốc đạt 1,8 triệu m2.
Bộ Xây dựng đã tích cực chủ động đề xuất, tập trung cùng các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội và đã đạt được những kết quả quan trọng: thị trường bất động sản từng bước phục hồi trở lại, tồn kho bất động sản giảm, cơ cấu hàng hóa bất động sản được điều chỉnh theo hướng tích cực, chú trọng phát triển loại nhà ở phân khúc trung bình, sát với nhu cầu thực tế và thu nhập của người dân.
Năm 2014, Bộ Xây dựng đã rà soát, điều chỉnh và bổ sung các quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng chủ yếu; chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương tổ chức lập và kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy hoạch, chương trình phát triển vật liệu xây dựng.
Bên cạnh những mặt tích cực, những thành tựu đã đạt được trong năm 2014, Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần nhanh chóng khắc phục, đồng thời đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2015.
Thảo luận về Báo cáo của Bộ Xây dựng tại Hội nghị, đại diện các Hội nghề nghiệp, doanh nghiệp và các địa phương ở các điểm cầu đã phát biểu nhiều ý kiến đóng góp cũng như đề xuất những kiến nghị với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành Trung ương để nghiên cứu giải quyết.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng ghi nhận những ý kiến đóng góp cũng như những kiến nghị của các địa phương, các Hội nghề nghiệp và doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, nhiệm vụ của ngành Xây dựng trong năm 2015 và những năm tiếp theo còn rất nặng nề. Đó là những việc như: hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật trong các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng; nâng cao năng lực quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý xây dựng chuyên ngành; quản lý và nâng cao chất lượng công trình xây dựng; quản lý phát triển đô thị, nhà ở và thị trường bất động sản; tập trung cải cách hành chính và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước…
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng bày tỏ tin tưởng, với những kết quả quan trọng đã đạt được trong năm 2014, được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành Trung ương và sự vào cuộc của các địa phương, nhất định ngành Xây dựng sẽ vượt qua mọi thách thức để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của toàn ngành trong năm 2015./.
Minh Tuấn