Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại buổi tọa đàm
Tham dự buổi tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; lãnh đạo một số địa phương và đại diện các doanh nghiệp.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân là một trong những vấn đề quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Trong những năm qua, hệ thống pháp luật Việt Nam về nhà ở ngày càng được cập nhật, bổ sung, hoàn thiện hơn, nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, khó khăn về nhà ở trong đó có công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp.
Theo tổng hợp của Bộ Xây dựng, đến nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 147.000 căn hộ (tương đương 7,35 triệu m2 sàn); đang tiếp tục triển khai 339 dự án với quy mô khoảng 371.500 căn hộ (tương đương khoảng 18,58 triệu m2 sàn). Phát triển nhà ở xã hội mặc dù đạt được một số kết quả quan trọng, giúp rất nhiều hộ gia đình có điều kiện nâng cao chất lượng nơi ở; tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân chính là thiếu quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội; vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi và cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp.
Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách, Bộ Xây dựng đã soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, qua đó cơ bản giải quyết được những bất cập vừa nêu; thúc đẩy đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị, trong đó có công nhân và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” gồm bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Bộ Xây dựng đã khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ như: xây dựng và ban hành Chương trình hành động; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP đối với những nhiệm vụ của ngân hàng; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng dự thảo Nghị định hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Mặt khác, Bộ ra văn bản đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP đối với lĩnh vực nhà ở, cụ thể là: rà soát nhu cầu, chương trình - kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ; nhu cầu vay vốn ưu đãi của chủ đầu tư các dự án; thành lập Tổ công tác liên ngành gồm đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội để làm việc với một số địa phương ngay trong quý I/2022 nhằm đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về nhà ở xã hội, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Toàn cảnh buổi tọa đàm tại điểm cầu Hà Nội
Tọa đàm gồm 2 phiên thảo luận: Phiên 1 - Triển khai 2 gói hỗ trợ Chương trình phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; Phiên 2 - Gỡ nút thắt chính sách để tạo động lực cho doanh nghiệp.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, các địa phương đã tích cực thảo luận, trao đổi, đề xuất các giải pháp, các cách làm hay để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và tận dụng một cách tối đa các gói hỗ trợ ưu đãi về nguồn vốn đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.