Ngày 14/4/2022, Hội đồng tư vấn Bộ Xây dựng họp đánh giá, nghiệm thu Dự án sự nghiệp kinh tế “Điều tra, khảo sát thực trạng và nhu cầu sử dụng lao động nghề cơ điện tử để xây dựng chương trình đào tạo gắn thực hành nghề với học tập kết hợp sản xuất tại doanh nghiệp”. Dự án do nhóm nghiên cứu thuộc Cao đẳng nghề Việt Xô số 1 thực hiện. Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Lê Đông Thành làm Chủ tịch Hội đồng.
Toàn cảnh cuộc họp
Trình bày lý do, sự cần thiết thực hiện dự án, TS. Trần Văn Cường chủ nhiệm Dự án cho biết: Cơ - điện tử là sự kết hợp của kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện tử và kỹ thuật máy tính, là ngành rất quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển khoa học kỹ thuật hiện đại. Chẳng hạn robot chính là sản phẩm tiêu biểu của kỹ thuật cơ - điện tử. Ở Việt Nam hiện nay, nhu cầu nhân lực ngành công nghệ kỹ thuật Cơ - điện tử rất cao, cơ hội việc làm của các kỹ sư thực hành ngành này rất phong phú ở nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ kỹ thuật số...
Một trong các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo là đào tạo nghề gắn với thực hành nghề, học tập kết hợp với sản xuất tại các doanh nghiệp để tiếp cận các công nghệ mới, học hỏi các phương pháp làm việc tiên tiến. Theo xu thế mới, việc xây dựng chương trình đào tạo nghề Cơ - điện tử, gắn học tập với thực hành kết hợp sản xuất tại các doanh nghiệp là rất cần thiết. Việc tạo điều kiện để học viên có thể thực hành nghề tại doanh nghiệp, có cơ hội tiếp cận và được học tập, thực hành trên các thiết bị tiên tiến của doanh nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng đào tạo nghề Cơ - điện tử hiện nay. Trước tình hình đó, Dự án được thực hiện với các mục tiêu đánh giá thực trạng đào tạo lao động nghề Cơ - điện tử tại các trường Cao đẳng, Trung cấp thuộc Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, thực trạng nhu cầu sử dụng lao động ngành nghề này tại các doanh nghiệp, qua đó đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu quả hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong ngành Xây dựng. Trên cơ sở các kết quả đánh giá, Dự án đề xuất xây dựng chương trình đào tạo nghề, kết hợp việc học với thực hành sản xuất theo các trình độ Cao đẳng và Trung cấp.
Qua điều tra khảo sát 15 trường Cao đẳng và Trung cấp thuộc Bộ Xây dựng, nhóm nghiên cứu chỉ ra có 13/15 trường đang tham gia đào tạo nhóm nghề cơ khí, điện - điện tử, song chỉ có 3 trường đào tạo nghề Cơ - điện tử, trong khi số lượng tuyển sinh nghề này có tỷ lệ tuyển sinh so với chỉ tiêu đạt cao nhất trong các nghề được đào tạo tại các trường. Bên cạnh đó, thiết bị đào tạo nghề Cơ - điện tử phần lớn có thể sử dụng chung với nhóm nghề điện - điện tử và cơ khí chế tạo, thiết bị đặc thù của nghề Cơ - điện tử chỉ chiếm một phần nhỏ. Đây là cơ sở để các trường nghề xem xét tận dụng trang bị hiện có, đội ngũ giảng viên hiện có của 2 nhóm nghề nói trên để nghiên cứu mở mã nghề Cơ - điện tử. Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra 2 nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề Cơ - điện tử và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Nhận xét về Dự án, các thành viên Hội đồng đều ghi nhận nỗ lực, tâm huyết của nhóm nghiên cứu. Nhóm đã hoàn thành đầy đủ các nội dung công việc theo nhiệm vụ đề ra; đề tài có ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Tuy nhiên, Hội đồng cũng đóng góp nhiều ý kiến xác đáng về cách trình bày, bố cục của Báo cáo tổng kết nhằm đảm bảo tính logic, một số nội dung cần biên tập lại để tránh trùng lặp; chú ý cách sử dụng thuật ngữ; cần có tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp để có thể thực hiện liên kết đào tạo, nâng cao hơn tính khả thi, ý nghĩa thực tiễn của Dự án.
Tổng hợp các ý kiến của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng Lê Đông Thành đề nghị nhóm tiếp thu, hoàn thiện các sản phẩm của Dự án trong vòng một tháng để trình Bộ Xây dựng xem xét.
Hội đồng tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm thu Dự án sự nghiệp kinh tế do nhóm nghiên cứu trường Cao đằng Việt Xô số 1 thực hiện, với kết quả xếp loại Khá.