Hôm qua 7/6, Bộ Xây dựng đã trọng thể chào đón Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, đoàn công tác của Chính phủ tới thăm và làm việc. Thay mặt Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đã báo cáo Phó Thủ tướng tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2001 - 2005 của Ngành trên các lĩnh vực phát triển đô thị, quản lý và phát triển; sắp xếp đổi mới DNNN... đồng thời đề xuất với Phó Thủ tướng các nhóm giải pháp để triển khai phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 5 năm 2006 - 2010.
' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.4388.634' /> |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân phải đón Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trái đến thăm và làm việc với Bộ Xây dựng. Ảnh: La Duy |
Phó Thủ tướng đánh giá cao thành tựu của Ngành Xây dựng
Theo báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân với Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, giai đoạn 2001 - 2005 toàn ngành Xây dựng đã có những bước tiến đáng kể theo hướng hiện đại trên tất cả các lĩnh vực công tác: Quản lý nhà nước rõ ràng, minh bạch; diện mạo đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại; sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp DN tăng trưởng cao và bền vững, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị của đất nước… Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cũng thẳng thắn nêu rõ một số vấn đề khó khăn cũng như những tồn tại khách quan trong thực hiện công tác quản lý nhà nước của Ngành hiện nay.
Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những thành tựu của Bộ Xây dựng trong 5 năm 2001 - 2005, đặc biệt những nỗ lực của DN xây dựng trong công cuộc thực hiện CNH, HĐH đất nước. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu đoàn công tác Chính phủ, đại diện các bộ, ngành phát biểu đóng góp ý kiến xoay quanh 4 vấn đề lớn của ngành Xây dựng là: Xây dựng thể chế luật pháp để nâng cao năng lực quản lý; việc hình thành tập đoàn tư vấn xây dựng hoạt động theo mô hình Cty mẹ - Cty con; xây dựng thể chế luật pháp về nâng cao công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DNNN.
Đại biểu nhiều bộ, ngành đã phát biểu ý kiến chia sẻ những khó khăn trong hoạt động với ngành Xây dựng. Đồng thời thống nhất với những kiến nghị của Bộ Xây dựng như: Cần thiết phải nghiên cứu, đề xuất ban hành Luật về quy hoạch xây dựng, từ đó thiết lập một bộ máy đủ mạnh về lực lượng và trình độ để phân cấp quản lý quy hoạch; thống nhất việc thành lập tập đoàn tư vấn xây dựng hoạt động theo mô hình Cty mẹ - Cty con...
Tạo bước chuyển mạnh mẽ trong quy hoạch xây dựng và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ sắp xếp DNNN
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: Trong 5 năm tới, Bộ Xây dựng phải tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch và quản lý đô thị. Đây là nhiệm vụ quan trọng, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mới. Do đó, nếu thấy cần thiết, Bộ Xây dựng có thể đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế, biện pháp phù hợp để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phó Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ rất coi trọng công tác quản lý đô thị theo hướng phát triển bền vững, văn minh, hiện đại. Do đó, thời gian tới, Chính phủ sẽ giao trọng trách rất lớn cho Bộ Xây dựng trong lĩnh vực này. Vì vậy, ngay từ bây giờ Bộ Xây dựng phải tập trung rà soát lại công tác lập và quản lý xây dựng theo quy hoạch. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, Bộ Nội vụ phải nghiên cứu việc thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành xây dựng dựa trên kinh nghiệm đúc rút từ thí điểm thực hiện mô hình này của TP Hà Nội.
Phó Thủ tướng dành nhiều thời gian để lắng nghe và cho ý kiến về mô hình tập đoàn tư vấn xây dựng. Với quan điểm: Tư vấn xây dựng là lực lượng DN đặc thù mà nhà nước cần giữ cổ phần chi phối, do đó Bộ Xây dựng cần quản lý DN tư vấn xây dựng để không chỉ thực hiện nhiệm vụ kinh doanh mà cả các nhiệm vụ chính trị, xã hội quan trọng khác. Theo Phó Thủ tướng, riêng với các DN tư vấn xây dựng, sau khi cổ phần hóa, sẽ do Bộ Xây dựng với tư cách đại diện sở hữu nhà nước đứng ra quản lý chứ không chuyển về TCty kinh doanh vốn của Bộ Tài chính như các trường hợp khác. Về công tác sắp xếp đổi mới DNNN, Phó Thủ tướng đã biểu dương hướng đi đúng, hiệu quả cao của Bộ Xây dựng thời gian qua, tuy nhiên cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa và dứt điểm trong năm 2007 để chuyển hẳn sang hoạt động theo mô hình Cty mẹ - Cty con.
' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.4388.635' /> |
Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng. Ảnh: La Duy |
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đã chân thành cảm ơn sự quan tâm sâu sát của Chính phủ đối với ngành Xây dựng, đồng thời tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bộ trưởng khẳng định: Với trọng trách trước Đảng, Chính phủ và nhân dân, nhiều năm qua, Bộ Xây dựng luôn cố gắng tìm ra nhiều giải pháp, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Và để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được cùng những bài học kinh nghiệm được đúc rút trong giai đoạn 2001 - 2005, theo Bộ trưởng, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, rộng rãi đến các ngành, các địa phương Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, hệ thống tiêu chuẩn xây dựng, định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng. Đổi mới nội dung, phương pháp lập quy hoạch xây dựng. Triển khai tổ chức quản lý ngành Xây dựng trong cả nước, đặc biệt quan tâm đến hệ thống tổ chức và lực lượng quản lý xây dựng cấp quận, huyện và xã, phường. Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm. Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, rà soát các dự án đầu tư về khả năng huy động vốn và thị trường. Thực hiện quyết liệt việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa trong toàn Ngành. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là chất lượng công trình xây dựng; thực hành tiết kiệm chống lãng phí, thất thóat, tham nhũng trong xây dựng.
Một số đề xuất, kiến nghị của Bộ Xây dựng với Chính phủ
1. Đề nghị Chính phủ phân định rõ vai trò, chức năng và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như: Quản lý đầu tư xây dựng, quản lý tài nguyên sản xuất VLXD; quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, quản lý việc khai thác sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch xây dựng đô thị đã được duyệt; quản lý nhà đất, quản lý công sở để minh bạch hóa chức năng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước Trung ương đến địa phương.
2. Về quy hoạch: Cần phân biệt quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành với quy hoạch xây dựng quy hoạch vùng và lãnh thổ, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết... là những quy hoạch có nội hàm khác nhau; với đối tượng, yêu cầu, nội dung, phương pháp, phương tiện nghiên cứu, hình thức thể hiện khác nhau và phục vụ cho những yêu cầu quản lý khác nhau. Nghiên cứu chuẩn bị trình Quốc hội ban hành Luật về quy hoạch xây dựng. Đề nghị bố trí vốn tập trung cho công tác quy hoạch xây dựng, bảo đảm đủ vốn để đến năm 2010 hoàn thành quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn cả nước.
3. Về quản lý đô thị: Hiện nay, nước ta đang vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, đặc biệt là CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn. Quá trình công nghiệp hóa gắn liền với quá trình đô thị hóa. Vì vậy để tăng cường công tác quản lý và phát triển đô thị cần đổi mới tổ chức quản lý đô thị phù hợp với chức năng, đặc điểm và tính chất của hoạt động đô thị, đồng thời bố trí đủ cán bộ có năng lực chuyên môn đồng bộ ở các cấp chính quyền đô thị.
4. Về nhà ở: Nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân, là thước đo trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đề nghị: Chỉ tiêu phát triển nhà ở cần được bổ sung trong Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia cũng như chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương giai đoạn 2006 - 2010 và kế hoạch hàng năm, đồng thời cân đối nguồn lực để thực hiện chương trình, kế hoạch đó.
5. Cần tập trung vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhà ở xã hội; có cơ chế hỗ trợ cho vay vốn đối với các dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực xi măng, điện, vật liệu mới, chương trình cơ khí xây dựng. Đề nghị Chính phủ cho phép thành lập Ngân hàng cổ phần xây dựng để huy động vốn nhàn rỗi trong xã hội và các doanh nghiệp ngành Xây dựng để hỗ trợ thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển của ngành Xây dựng giai đoạn 2006 - 2010.
Nguồn tin: Báo Xây dựng, số 46, ngày 08/06/2006