Nghiệm thu Dự án SNKT "Điều tra, khảo sát xác định giá trị các di sản kiến trúc truyền thống tại một số tỉnh thành phố ở Việt Nam"

Thứ tư, 07/06/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 31/5/2006, Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học của Bộ Xây dựng đã tổ chức nghiệm thu dự án SNKT "Điều tra, khảo sát xác định giá trị di sản kiến trúc truyền thống các tỉnh, thành phố ở Việt Nam" do TS. KTS. Nguyễn Đình Toàn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc làm chủ nhiệm dự án.
Dự án này đã được thực hiện trong hai năm 2004 và 2005 nhằm đánh giá và lập hồ sơ di tích trên địa bàn cả nước có tính bao quát về thời gian cũng nh giá trị hiện thân của công trình, đặc biệt là tính dân tộc trong di tích kiến trúc.
Năm 2004, Viện Nghiên cứu Kiến trúc đã hoàn thành Dự án "Điều tra, khảo sát xác định giá trị và đề xuất tiêu chí đánh giá các Di sản kiến trúc ở Việt Nam". Với mục đích xác định tiêu chí di sản kiến trúc giúp cho Bộ Xây dựng có nghị định, quy định cụ thể mang tính vĩ mô trong công tác quản lý, tu bổ tôn tạo các di tích kiến trúc, được áp dụng rộng rãi đối với ngành Xây dựng nói chung, cũng như những người làm công tác quản lý di tích nói riêng.
Dự án "Điều tra, khảo sát xác định giá trị của các Di sản kiến trúc truyền thống tại một số tỉnh, thành phố ở Việt Nam" là bước tiếp theo cho những nghiên cứu trên nhằm hoàn thiện hồ sơ về di sản kiến trúc việt Nam trên toàn quốc.

Mục đích của dự án
- Hệ thống hoá các công trình kiến trúc cổ tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử, đánh giá thực trạng di tích hiện tồn, xác định về giá trị kiến trúc, mỹ thuật.
- Định hướng về công tác tu bổ, tôn tạo đối với các thể loại công trình dựa trên các tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc...
- Nghiên cứu những nhân tố chính của kiến trúc truyền thống, đề xuất khai thác phát huy đáp ứng các yêu cầu của nền kiến trúc mới hiện đại mang bản sắc Việt Nam.
- Đề xuất quản lý quy hoạch, xây dựng giải pháp khoanh vùng bảo tồn phục vụ việc thiết kế quy hoạch và xây dựng các công trình mới bên cạnh các di tích.
Để tiến hành điều tra các di tích này, nhóm đề tài đã dựa trên những tiêu chí cơ bản về lịch sử, xã hội nhân văn theo vùng, miền. Ở miền Bắc, các loại hình kiến trúc ra đời sớm như kiến trúc tôn giáo, kiến trúc dân gian và kiến trúc đô thị. Miền Trung là nơi tiếp nhận, trung chuyển văn hoá và phong cách kiến trúc giữa hai miền Nam Bắc, nơi chịu ảnh hướng và còn sót lại khá nhiều di tích kiến trúc có pha trộn kiến trúc Trung Quốc, Nhật Bản, ấn Độ, Chămpa. Ở miền Nam, kiến trúc của các công trình pha trộn đa dạng hơn, đó là sự xuất hiện của người Việt đã chịu ảnh hưởng của các dân tộc khác Khơme, Mã Lai.... Những chuyển biến đó đã tạo nên tính đa dạng về loại hình cũng nh chức năng của từng công trình thể hiện qua phong cách kiến trúc địa phương.

Nội dung nghiên cứu
a/ Điều tra khảo sát các di sản kiến trúc trong cả nước
- Tổng hợp, lập danh sách các di tích ở 30 tỉnh, thành. Bắc bộ gồm vùng Đồng bằng Sông Hồng gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá; Vùng Đông bắc: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh; Vùng Tây Bắc: Hoà Bình, Lào Cai. Trung bộ gồm Bắc Trung bộ: Nghệ An, Hà Tĩnh; Trung Trung bộ: Quảng Bình, Quảng Trị, TT Huế, Quảng Nam; Nam Trung bộ: Khánh Hoà, Ninh Thuận. Nam bộ gồm Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang.
- Phân loại các loại hình kiến trúc, đánh giá về giá trị kiến trúc, văn hoá, lịch sử ở các triều đại hiện tồn tại các tỉnh, thành phố tiến hành khảo sát. Thể loại công trình khảo sát là kiến trúc dân gian và kiến trúc tôn giáo tiêu biểu chủ yếu của người Việt, một số của người Hoa, người Khơme ở Nam Bộ và nhà ở người Chăm ở Trung Bộ. Giới hạn nghiên cứu là các công trình này xây dựng trong giai đoạn trước thời Lý - Lý - Trần - Hồ - Lê Sơ - Mạc - Hậu Lê - Tây Sơn - Nguyễn. Nhóm đề tài nghiên cứu về quy hoạch, kiến trúc - nghệ thuật, kỹ thuật lắp dựng và sử dụng VLXD truyền thống, điêu khắc, trang trí, màu sắc trong các di sản kiến trúc cổ Việt Nam. Nhóm đề tài đã nghiên cứu:
+ Kiến trúc dân gian Bắc Bộ gồm lăng tẩm, lăng mộ, kiến trúc cầu, quán, giếng, cổng làng, làng truyền thống, nhà ở dân gian truyền thống; Kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng Bắc bộ gồm kiến trúc chùa Việt, kiến trúc Văn miếu - Văn chỉ, kiến trúc đền, phủ, quán, Thành hoàng, Đình làng, kiến trúc nhà thờ.
+ Kiến trúc dân gian miền Trung gồm nhà ở truyền thống nhà Rội, nhà Rường, nhà vườn, cầu ngói và đình làng; Kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng gồm đình, Thành hoàng và chùa.
+ Kiến trúc nhà ở dân gian Nam Bộ gồm nhà chữ Đinh, nhà sắp đọi nhà chữ Nhị, nhà chữ Đinh có sân tương, nhà chữ Đinh và nhà sắp đọi có thảo bạt; Kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng gồm đình, đền, chùa Việt, chùa tháp Khơme - Sóc Trăng, miếu, đền - miếu - chùa - hội quán của người Hoa
b/ Các căn cứ, cơ sở để xác định giá trị các di tích
- Căn cứ vào các tư liệu gốc: các thư tịch cổ, văn bia, hiện vật gốc, cấu kiện, bộ vì, chi tiết hoa văn...
- Căn cứ vào Luật Di sản đợc Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua năm 2001.
- Nghiên cứu những nhân tố ảnh hưởng đến di tích thiên nhiên, khí hậu, con người, điều kiện kinh tế... và đề xuất những giải pháp thích hợp thực hiện tốt việc bảo quản, duy trì tuổi thọ các di tích.
- Căn cứ vào thực trạng, điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi địa phương, kiến trúc của từng nhóm di tích, từng thể loại công trình để xác định hướng bảo vệ, trùng tu, tôn tạo.
c/ Đề xuất giải pháp bảo tồn tôn tạo, khai thác, phát huy các di sản kiến trúc truyền thống Việt Nam
- Đánh giá tình trạng di tích và công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích từ trước đến nay để rút ra những bài học nhằm giữ gìn tốt hơn những di sản của cha ông để lại.
- Đề xuất giải pháp trùng tu, tôn tạo cho các loại hình di tích.
+ Đối với quy hoạch tổng thể, bảo tồn cảnh quan, quy định về kiến trúc với các công trình xung quanh di tích, đề xuất vùng bảo vệ thích hợp với từng loại di tích.
+ Về kiến trúc: bảo tồn các di tích gốc, bảo quản hiện vật, tu bổ các hạng mục xuống cấp, tôn tạo phục chế các thành phần đã mất theo các tư liệu phù hợp với tính lịch sử lúc đương thời. Bảo quản, tôn tạo các chi tiết trang trí mỹ thuật.
- Đề xuất biện pháp khai thác các di sản kiến trúc trong cộng đồng xã hội.
Phát huy những đặc điểm mang tính đặc thù của kiến trúc Việt Nam truyền thống ở mỗi địa phương phù hợp với phong tục tập quán của người Việt Nam hiện đại.

Kết quả đạt đợc của dự án
- Hệ thống được danh mục các công trình kiến trúc cổ Việt Nam tuy rằng chưa đủ của 64 tỉnh, thành do kinh phí có hạn. Là tài liệu quý rất có giá trị cho các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, khảo cổ học.
- Đã lập được hồ sơ khảo sát, điều tra các công trình di tích tiêu biểu đại diện cho các triều đại tại 30 tỉnh, thành bao gồm thành phần kiến trúc, chi tiết trang trí mỹ thuật.
- Đề xuất những giải pháp lưu giữ, tu bổ, tôn tạo di sản kiến trúc được lựa chọn sẽ căn cứ vào những nơi có di tích tiêu biểu là cơ sở để Bộ xây dựng ra nghị định về công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo các công trình di tích kiến trúc và quản lý kiến trúc quy hoạch xây dựng, cải tạo tại các địa phương có di tích kiến trúc.
- Đề xuất một số hướng khai thác kiến trúc truyền thống.
Đánh giá cao về chất lượng với khối lượng sản phẩm đồ sộ và có giá trị thiết thực của đề tài, Hội đồng nghiệm thu đề tài KHCN của Bộ Xây dựng đã bỏ phiếu đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc.

Minh Tâm
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)