Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Soạn thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cho biết: Sau gần 8 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở, lĩnh vực nhà ở đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Tuy nhiên, Luật Nhà ở hiện hành cũng đã xuất hiện nhiều tồn tại, bất cập cần phải nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng đã được thông qua tại Đại hội lần thứ XI, cũng như cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 và để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định yêu cầu các địa phương phải lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; Luật Nhà ở 2005 chưa cụ thể hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong việc phát triển nhà ở.
Luật Nhà ở hiện hành chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể và đủ mạnh để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, đặc biệt là tại các đô thị lớn.
Luật chưa có quy định cụ thể về các định chế tài chính tham gia hỗ trợ vốn cho phát triển nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ cho người thu nhập thấp, hộ nghèo vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc cho các doanh nghiệp vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Luật Nhà ở hiện hành quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở chưa chặt chẽ, chưa hợp lý và không bảo đảm quyền lợi của các chủ sở hữu nhà ở.
Luật Nhà ở chưa có quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư.
Luật Nhà ở chưa điều chỉnh đầy đủ các vấn đề trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, như vậy sẽ không đủ căn cứ phá lý để giải quyết những tranh chấp khi sửa chữa, bảo dưỡng chung cư.
Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định về việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về nhà ở để có hệ thống số liệu tin cậy và cập nhật đầy đủ về tình hình phát triển, quản lý nhà ở.
Luật Nhà ở quy định về việc mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, đặc biệt là quy định về đối tượng, điều kiện được sở hữu của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế nên chưa khuyến khích được bà con kiều bào cũng như tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Luật Nhà ở hiện hành cũng còn nhiều tồn tại, bất cập khác như: Chưa có cơ chế, chính sách cụ thể về phát triển và quản lý nhà ở phục vụ tái định cư, về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc có quy định nhưng chưa thống nhất với một số Luật có liên quan như: Quy định về việc lựa chọn chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở, về tiêu chuẩn, quy chuẩn diện tích nhà ở thương mại, về điều kiện thực hiện các giao dịch nhà ở… nên đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng và các tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện.
Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) để thể chế hóa chủ trương của Đảng nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, đó là Nhà nước phải “có chính sách để phát triển mạnh nhà ở cho nhân dân, nhất là cho các đối tượng chính sách và người thu nhập thấp”. Luật sử đổi này đã cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013.
Căn cứ vào các quan điểm, yêu cầu của Chính phủ, Ban Soạn thảo luật Nhà ở (sửa đổi) đã thể hóa chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ theo các vấn đề chính:
Bảo đảm công tác phát triển nhà ở phải đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để khắc phục tình trạng đầu tư phát triển nhà ở tự phát, phong trào, cơ cấu hàng hóa nhà ở mất cân đối, lệch pha cung - cầu như trong những năm vừa qua.
Đổi mới nội dung, phương thức thực hiện, quy định rõ cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm phục vụ cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước (cả ở trung ương và địa phương) cũng như khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là các hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Quy định cụ thể, rõ ràng các cơ chế tài chính phục vụ cho phát triển nhà ở, đặc biệt là các cơ chế ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở cũng như xác định trách nhiệm của Nhà nước trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách xã hội, người thu nhập thấp, hộ gia đình nghèo cải thiện nhà ở nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Thống nhất xác định lại thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở cho phù hợp với từng loại giao dịch để tạo điều kiện cho các chủ sở hữu thực hiện được đầy đủ các quyền của mình đối với nhà ở.
Quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư theo cấp công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi trong việc cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ khi bị xuống cấp, hư hỏng; đồng thời, bổ sung quy định cho phép các bên tham gia giao dịch mua bán nhà ở có thể thỏa thuận để bên mua được sở hữu nhà ở trong một thời hạn nhất định nhằm góp phần giảm giá bán nhà ở, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân có thể lựa chọn hình thức sở hữu nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của mình.
Hình thành hệ thống tài chính nhà ở đầy đủ và hiệu quả nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động các nguồn lực tài chính ổn định, dài hạn với lãi suất phù hợp cho phát triển nhà ở, kể cả vốn cho đầu cung và tín dụng cho đầu cầu, thay vì trước đây nguồn vốn cho nhà ở chủ yếu từ các tổ chức tín dụng thương mại với nguồn vốn vay ngắn hạn, lãi suất cao.
Làm rõ hơn các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư, đặc biệt là việc quản lý sử dụng các nhà chung cư cao tầng, nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp hiện nay và việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ để đáp ứng các yêu cầu về quản lý các khu nhà chung cư trong giai đoạn mới, cũng như giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong việc phá dỡ, xây dựng lại các nhà chung cư cũ, xuống cấp, nguy hiểm; đồng thời hạn chế thấp nhất các tranh chấp, khiếu kiện phát sinh giữa các chủ sở hữu, chủ đầu tư và người dân trong quá trình mua bán, quản lý, sử dụng nhà ở.
Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về nhà ở đầy đủ, tin cậy và cập nhật thường xuyên để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, lập chương trình, kế hoạch và phân bổ nguồn lực hợp lý cho phát triển nhà ở, tránh việc đầu tư dàn trải, lãng phí, dư thừa sản phẩm nhà ở; đồng thời giúp các chủ đầu tư và người dân khi tham gia thị trường nhà ở có đầy đủ thông tin để đưa ra các chiến lược kinh doanh và cung cấp sản phẩm hợp lý, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Mở rộng đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài để thu hút nhân tài, nguồn lực, kinh nghiệm cho đầu tư, phát triển đất nước, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngoài các nội dung đổi mới chủ yếu nêu trên, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) còn sửa đổi, bổ sung các nội dung có liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ để bảo đảm phù hợp với thực tế hiện nay hoặc để thống nhất với các đạo luật khác có liên quan; chỉnh lý, gộp các quy định còn tản mát tại các Chương, Điều khác nhau để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về nội dung của văn bản Luật.
Như vậy, với đề xuất 10 nhóm vấn đề cần sửa đổi nêu trên thì dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ có 13 Chương với 179 Điều. So với Luật Nhà ở hiện hành có 9 Chương với 153 Điều thì dự thảo Luật này tăng thêm 4 Chương và 26 Điều.
Ông Phan Phan Trung Lý khẳng định: Luật Nhà ở (sửa đổi) được xây dựng rất quy mô, mang tầm quan trọng tới sự phát triển chính sách Nhà ở và đặc biệt khi thực hiện Hiến pháp 2013.
“Hầu hết các ý kiến tham gia góp ý xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) đều nhất trí với nội dung của dự thảo Luật do Chính phủ trình. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau như: Về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở; Về điều kiện sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Những ý kiến này sẽ được làm rõ trước khi trình Quốc Hội trong phiên họp sắp tới”, ông Phan Trung Lý cho biết thêm.
Tại đây, đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội đã báo cáo thẩm tra Luật Nhà ở (sửa đổi) cơ bản tán thành và đánh giá cao nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), tuy nhiên Đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến góp ý về một số vấn đề. Ban Soạn thảo Luật Nhà (sủa đổi) đã ghi nhận.
Theo : Báo Xây dựng điện tử