Nhằm kiểm soát, đánh giá mức độ an toàn đập công trình thủy điện, thủy lợi có quy mô nhỏ, đảm bảo an toàn cho người dân; Bộ đã có văn bản gửi các địa phương cùng Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kiểm tra, rà soát chất lượng và đánh giá mức độ an toàn các đập thủy hồ thủy điện và thủy lợi trên địa bàn theo phân cấp quản lý, trong đó chú trọng kiểm tra các hồ đập thủy điện, thủy lợi có dung tích hồ chức nhỏ hơn 10 triệu m3 hoặc công suất nhà máy thủy điện nhỏ hơn 15MW.
Thực hiện theo Thông tư số 02/2013/TT-BXD ngày 08/3/2013 của Bộ Xây dựng, các địa phương đang tập trung rà soát lại các đề xuất của chủ đầu tư dự án về việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ nhà ở thương mại, điều chỉnh công năng nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội. Tính đến giữa tháng 7, trên địa bàn cả nước đã có 47 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô xây dựng khoảng 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng; 16 dự án nhà ở thương mại đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với quy mô thiết kế ban đầu khoảng 4.700 căn hộ, nay xin điều chỉnh tăng lên 6.600 căn hộ.
Sau khi Thông tư số 07/2013/TT-BXD ngày 15/5/2013 của Bộ Xây dựng và Thông tư số 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, Bộ Xây dựng đã đề xuất 30 danh mục dự án nhà ở xã hội và dự án chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại được giao triển khai thực hiện việc cho vay xem xét, thẩm định theo quy định. Các dự án này đều đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, cụ thể là đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư hoặc đã có quyết định cho phép chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; có quyết định phê duyệt dự án; có đất sạch và giấy phép xây dựng (trừ trường hợp được miễn giấy phép xây dựng).
Để tạo thuận lợi cho việc triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở, Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn xác định đối tượng cho vay theo Thông tư số 07/2013/TT-BXD, Thông tư số 11/2013/TT-NHNN cho các Ngân hàng được giao cho vay hỗ trợ. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị các Ngân hàng được giao cho vay hỗ trợ nhà ở thực hiện báo cáo tình hình tiếp nhận hồ sơ xin vay, số tiền đề nghị được vay của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; kết quả xem xét giải quyết, số hồ sơ đã ký hợp đồng nguyên tắc, số hồ sơ đã ký hợp đồng tín dụng, số tiền đã giải ngân được giải ngân cho các đối tượng trên. Cùng với đó, tại các địa phương, Bộ cũng đã có văn bản đề nghị các Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp, báo cáo tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp và dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội trên địa bàn.
Trong 7 tháng đầu năm, nhiều Chương trình án, dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn tiếp tục được triển khai hoặc khởi công tại các thành phố lớn (Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Quy Nhơn, TP Vinh...) điển hình như:
- Đề án nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015 gồm 37 dự án (Chủ đầu tư - Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp TNHH MTV - Becamex IDC Corp) với TMĐT 10.830 tỷ đồng, quy mô 64.000 căn hộ, diện tcihs sàn xây dựng 2,7 triệu m2 đáp ứng chỗ ở cho trên 125.000 người. Hiện đã hoàn thành 4.700 căn;
- Dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai (Chủ đầu tư - Tổng công ty IDICO): TMĐT 758 tỷ đồng, quy mô 3.500 căn hộ, diện tích xây dựng hơn 17 nghìn m2 sàn;
- Dự án Khu nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm (Chủ đầu tư - Tổng công ty HUD): tổng mức đầu tư 710 tỷ đồng, quy mô trên 1.000 căn hộ, diện tích xây dựng hơn 75.815 m2 sàn. Ngoài ra Tổng công ty HUD đang nghiên cứu triển khai các dự án nhà ở xã hội tại các dự án khu đô thị: Nam Linh Đàm, Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, Nam An Khánh mở rộng khu 3, Giang Biên, Tân Lập, Kiến Hưng, Đại Áng… với mục tiêu giai đoạn 2013-2015 xây dựng trên 4.950 căn hộ và giai đoạn 2016-2020 xây dựng trên 20.000 căn hộ nhà ở xã hội.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án năm 2013, đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành, trình Chính phủ dự thảo Luật Xây dựng, trình ban hành 05 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 07 Quyết định, đồng thời tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo 04 Nghị định, 01 Quyết định, 09 Đề án đã trình nhưng chưa ban hành. Ngoài ra, Bộ cũng đã ban hành theo thẩm quyền 09 Thông tư.
Tiếp tục kiểm tra việc công bố chỉ số giá xây dựng của các địa phương; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống định mức, đơn giá và chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật trong xây dựng và quản lý dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị… phù hợp với đặc điểm thị trường xây dựng Việt Nam và hội nhập quốc tế nhằm tạo lập thị trường xây dựng cạnh tranh, công bằng và minh bạch.
Các nhiệm vụ khác trong Chương trình hành động được ban hành tại Quyết định số 137/QĐ-BXD ngày 31/01/2013 của Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai theo đúng kế hoạch, tiến độ đã đề ra.
Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ
Tổng giá trị sản xuất kinh doanh: ước thực hiện tháng 7 đạt 11.669,7 tỷ đồng, 7 tháng ước đạt 83.471,7 tỷ đồng, bằng 51,8% kế hoạch, bằng 93,9 % so cùng kỳ năm 2012, trong đó:
+ Giá trị xây lắp: ước thực hiện tháng 7 đạt 4.553,3 tỷ đồng, 7 tháng ước đạt 29.184 tỷ đồng, bằng 46,9% kế hoạch năm, bằng 85,2% so cùng kỳ.
Tiến độ thực hiện nhiều công trình trọng điểm vẫn rất căng thẳng, nhiều công trình không thể triển khai thi công tiếp do việc thu xếp vốn của chủ đầu tư không kịp thời, nhất là các công trình ngành điện.
Một số doanh nghiệp có giá trị xây lắp 7 tháng có tăng so với cùng kỳ như: HUD (1.336 tỷ đồng, tăng 59%), Sông Đà (đạt 6.599 tỷ đồng, tăng 10%), Bạch Đằng (2.286,2 tỷ đồng, tăng 29%),.
+ Giá trị sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng (kể cả TCT CN xi măng Việt Nam): ước thực hiện tháng 7 đạt 4.373,9 tỷ đồng, 7 tháng đạt 34.185,1 tỷ đồng, bằng 56,5% kế hoạch và bằng 105,1 % so cùng kỳ năm 2012.
Sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng vẫn đang ở trong tình trạng đình đốn do việc cắt giảm đầu tư cũng như hệ lụy từ việc thị trường bất động sản đóng băng. Lượng hàng tồn vẫn còn khá cao, bao gồm xi măng, gạch ốp lát, kính xây dựng, thép xây dựng,… dẫn đến việc không thể phát huy được hết công suất sản xuất của các dây chuyền thiết bị.
Một số doanh nghiệp có giá trị sản xuất CN&VLXD 7 tháng có tăng so với cùng kỳ như: TCT CN Xi măng VN (đạt 16.756,7 tỷ đồng, tăng 8,3%), LICOGI (1.199 tỷ đồng, tăng 37%), FICO (1.473,9 tỷ đồng, tăng 29%).
Tháng 7/2013 sản lượng xi măng toàn ngành sản xuất ước đạt 4,35 triệu tấn, 7 tháng năm 2013 đạt 29,05 triệu tấn bằng 51,9% kế hoạch năm. Tháng 7 sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa có tăng so với tháng 6 nhưng tăng không nhiều (ước tháng 7 tiêu thụ nội địa đạt 4,19 triệu tấn, 7 tháng tiêu thụ nội địa ước đạt 26,88 triệu tấn bằng 55,4% kế hoạch năm, xuất khẩu đạt khoảng 6,79 triệu tấn xi măng và clinhker).
+ Giá trị tư vấn: ước thực hiện tháng 7 đạt 108,2 tỷ đồng, 7 tháng đạt 741 tỷ đồng, bằng 48,1% kế hoạch và bằng 81,5% so cùng kỳ năm 2012.
+ Giá trị SXKD khác (bao gồm cả kinh doanh nhà ở và hạ tầng): ước thực hiện tháng 7 đạt 2.634,3 tỷ đồng, 7 tháng đạt 19.361 tỷ đồng, bằng 52,7% kế hoạch và bằng 91,4% so cùng kỳ năm 2012.
- Nhập khẩu: ước thực hiện tháng 7 đạt 4,579 triệu USD, 7 tháng năm 2013 ước đạt 99,501 triệu USD, bằng 81,9% so với kế hoạch năm. Nhập khẩu chủ yếu vẫn là máy móc thiết bị.
- Xuất khẩu: ước thực hiện tháng 7 đạt 11,78 triệu USD, 7 tháng năm 2013 ước đạt 92,786 triệu USD, bằng 46,8% so với kế hoạch năm.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Báo cáo 74/BC-BXD.