Tham dự Hội thảo có Đoàn đánh giá và thẩm định do Chính phủ Đức cử sang thông qua Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức, đại diện Bộ hợp tác kinh tế và phát triển Đức, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Xây dựng), Hội Cấp thoát nước Việt Nam, lãnh đạo các địa phương nơi triển khai dự án.
Chương trình Quản lý nước thải và chất thải rắn tại các tỉnh lỵ Việt Nam là chương trình hỗ trợ phát triển chính thức của Chính phủ CHLB Đức dành cho Việt Nam. Chương trình hỗ trợ kỹ thuật được thực hiện từ năm 2005 đến nay qua ba giai đoạn. Sau 8 năm thực hiện, Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt trong việc tăng cường năng lực ngành thoát nước ở ba cấp (quốc gia, địa phương và công ty).
Theo báo cáo của Đoàn đánh giá tại Hội thảo, trong các giai đoạn trước, Chương trình đã cải thiện về khung chính sách ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, cải thiện dịch vụ trong ngành thoát nước, nâng cao năng lực trong ngành nước thải ở Việt nam, từ đó bảo vệ môi trường và đạt được một số mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Trên cơ sở những cuộc họp gần đây được thực hiện giữa Chính phủ CHLB Đức và Việt Nam về kế hoạch hợp tác trong những năm tới, hai bên đã thống nhất quản lý nước thải tiếp tục là một lĩnh vực cần được hỗ trợ. Vì vậy, Chương trình Quản lý nước thải và chất thải rắn tại các tỉnh lỵ Việt Nam cần được nghiên cứu tiếp tục giai đoạn 4. Nội dung cơ bản của giai đoạn này là tập trung vào các nội dung quản lý, chuyển giao tri thức, tăng cường năng lực, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan và tính bền vững nhằm phát huy và nhân rộng hiệu quả đã đạt được trong 3 giai đoạn trước. Cụ thể, ở cấp quốc gia, giai đoạn 4 của Chương trình dự kiến hỗ trợ Bộ Xây dựng trong lĩnh vực phát triển chính sách, xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định mới về thoát nước và quản lý nước thải, tổng hợp và phổ biến những bài học kinh nghiệm thu được từ quá trình trao đổi kiến thức, kinh nghiệm giữa các tỉnh với cấp Trung ương được thực hiện từ trước đến nay… Ở cấp tỉnh, hỗ trợ 3 tỉnh Hòa Bình, Lạng Sơn và Sơn La tiếp tục xây dựng và thực hiện các quy định về quản lý thoát nước địa phương, hỗ trợ đối thoại giữa các tỉnh để trao đổi kinh nghiệm theo chiều ngang, xây dựng chiến lược quản lý tri thức dối với các thông tin và sản phẩm trong lĩnh vực quản lý nước thải. Trong giai đoạn này, Chương trình xem Hội Cấp thoát nước như một thành viên đóng vai trò tổng hợp những kinh nghiệm rút ra từ những khóa đào tạo cho công ty thoát nước đã được thực hiện từ trước đến nay; đánh giá, chia sẻ và chuẩn hóa công tác đào tạo hiện nay dành cho các công ty thoát nước.
Cũng tại Hội thảo, đại diện các địa phương nơi triển khai Chương trình đã đề xuất cần xây dựng các văn bản làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nước thải và chất thải rắn tại địa phương, thay đổi một số quy định kỹ thuật về cấp thoát nước (ví dụ, quy định về đấu nối nên do Nhà nước quyết định, không nên để doanh nghiệp quyết định…).
Ông Nguyễn Hồng Tiến và ông Hanns Bernd Kuchta ký kết Nội dung thực hiện giai đoạn 4
Hội thảo đã thống nhất nội dung thực hiện trong giai đoạn 4 của Chương trình, và cuối buổi Hội thảo, đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức, ông Hanns Bernd Kuchta, đã ký biên bản Nội dung thực hiện giai đoạn 4 Chương trình Quản lý nước thải và chất thải rắn tại các tỉnh lỵ Việt Nam với Cục Hạ tầng kỹ thuật do ông Nguyễn Hồng Tiến đại diện và với Hội cấp thoát nước Việt Nam do ông Trần Quang Hưng đại diện.
Ông Trần Quang Hưng và ông Hanns Bernd Kuchta ký kết Nội dung thực hiện giai đoạn 4
Thu Huyền