Nghiệm thu đề tài: Nghiên cứu chế tạo chất chống dính khuôn trên cơ sở dầu khoáng hoạt tính nhằm nâng cao hiệu quả tái sử dụng phế liệu trong sản xuất gạch bê tông khí chưng áp (AAC) công nghiệp

Thứ bẩy, 23/11/2013 07:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 22/11/2013, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tiến hành nghiệm thu đề tài: “Nghiên cứu chế tạo chất chống dính khuôn trên cơ sở dầu khoáng hoạt tính nhằm nâng cao hiệu quả tái sử dụng phế liệu trong sản xuất gạch bê tông khí chưng áp (AAC) công nghiệp” do Ths. Phạm Văn Thắng – Viện Vật liệu xây dựng làm chủ nhiệm đề tài.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, Ths. Phạm Văn Thắng đã báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài. Với tổng dài 83 trang, đề tài được chia làm 6 phần, cụ thể gồm: Tổng quan tình hình nghiên cứu và sử dụng chất chống dính khuôn trong công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng; Cơ sở khoa học và vấn đề nghiên cứu; Nguyên vật liệu, thiết bị và các phương pháp nghiên cứu; Kết quả nghiên cứu và thảo luận; Sản xuất, ứng dụng thử và sơ bộ tính toán giá thành; Quy trình công nghệ sản xuất chất chống dính.

Theo nội dung báo cáo, để có một kết cấu bê tông đạt yêu cầu cả về mặt kỹ thuật và thẩm mỹ thì yếu tố cơ bản nhất là sau khi dỡ bỏ ván khuôn thu được bề mặt bê tông không bị hư hỏng, do vậy, trong công nghệ sản xuất bê tông nói chung không thể không có chất chống dính khuôn. Thông thường các nhà chuyển giao công nghệ có khuyến cáo sử dụng chất chống dính khuôn kèm theo của bên chuyển giao công nghệ, nhưng do giá thành của chất chống dính đó cao làm ảnh hưởng tới giá thành chung của gạch AAC, nên các nhà sản xuất gạch AAC trong nước thường không sử dụng. Hiện đa phần chất chống dính khuôn cho gạch AAC đều sử dụng trực tiếp dầu thải công nghiệp do yếu tố phải đảm bảo giá thành cho sản phẩm.

Với kết quả nghiên cứu của Viện Vật liệu xây dựng về chất chống dính khuôn sử dụng trong công nghệ sản xuất gạch AAC sẽ mở ra những phạm vi ứng dụng trong công nghệ sản xuất các loại vật liệu xây dựng đúc sẵn khác và dần thay thế các sản phẩm chống dính khuôn cùng loại nhập ngoại đang có mặt trên thị trường. Ngoài ra, sự ra đời của loại vật liệu này còn góp phần đảm bảo sự ổn định nguồn cung cấp sản phẩm cho các nhà sản xuất vật liệu xây dựng trong nước nói chung và nhà sản xuất gạch AAC nói riêng, đồng thời còn giải quyết những vấn đề về môi trường.

Các thành viên trong Hội đồng đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, ngoài những kết quả nghiên cứu đạt được, đề tài sẽ góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, để đề tài được hoàn thiện hơn, nhóm thực hiện cần làm rõ cơ sở khoa học về các chỉ tiêu kỹ thuật mà chất chống dính khuôn chế tạo cần đạt, chỉnh sửa các lỗi chính tả và bổ sung bảng chú thích các từ viết tắt để người đọc dễ hiểu.

Theo đánh giá của Chủ tịch Hội đồng Trần Đình Thái – Vụ phó, Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường, đề tài đã đưa ra một quy trình thử nghiệm rõ ràng, áp dụng vào dây chuyền sản xuất cụ thể và đặc biệt đã góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Chủ tịch Hội đồng cũng yêu cầu nhóm thực hiện, ngoài việc tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, còn phải bổ sung thêm các yêu cầu về nguyên liệu đầu vào và viết lại báo cáo theo đúng quy định để làm nổi bật nội dung và ý nghĩa của đề tài.

Với kết quả đạt được, Đề tại đã được Hội đồng nhất trí và xếp loại Khá./.

Bích Ngọc
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)