Nghiệm thu đề tài: Tiêu chuẩn TCVN...:2011 "Móng cọc – Tiêu chuẩn thiết kế" soạn thảo theo sp 24.13330. 2011 "SNiP 2.02.03.85. Móng cọc"

Thứ sáu, 07/09/2012 08:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 06/9/2012, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã họp nghiệm thu đề tài: Tiêu chuẩn TCXDVN...:2011 "Móng cọc – Tiêu chuẩn thiết kế" soạn thảo theo sp 24.13330. 2011 "SNiP 2.02.03.85. Móng cọc" - đề tài nghiên cứu của nhóm tác giả do PGS.TS.Nguyễn Vẵn Dũng - Trường Đại học Xây dựng làm chủ nhiệm.Chủ tịch Hội đồng -TS.Nguyễn Trung Hòa - Vụ trưởng Vụ KHCN & Môi trường Bộ Xây dựng.

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu – TS. Nguyễn Trung Hòa chủ trì buổi họp

Theo báo cáo của chủ nhiệm đề tài, tiêu chuẩn "SNiP 2.02.03.85. Móng cọc" của Nga hiện nay đã từng được sử dụng rộng rãi ở nước ta. Các tiêu chuẩn của Việt Nam về móng cọc hiện hành cũng trích dẫn một số điều của SNiP 2.02.03.85 và đưa vào trong các phần phụ lục tính toán. Tiêu chuẩn này được dùng đồng bộ với các tiêu chuẩn xây dựng khác trong hệ thống tiêu chuẩn SNiP và SP của Nga. Khi áp dụng vào Việt Nam, tiêu chuẩn này phù hợp với các tiêu chuẩn về tải trọng và tác động, có thể dùng đồng bộ được với tiêu chuẩn Việt Nam như TCVN 2737:1995 Tác động và tải trọng; TCXDVN 356:2005 Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép và một số tiêu chuẩn liên quan khác. Ngoài ra, tiêu chuẩn SNiP 2.02.03.85 cũng có tính tương đồng với TCXDVN ở nhiều nội dung, (ví dụ: tính toán sức chịu tải theo đất dựa trên chỉ tiêu cơ lý là phương pháp mang độ chính xác cao và phù hợp địa tầng Việt Nam).

Việc chuyển dịch tiêu chuẩn SP 24.13330.2011 "SNiP 2.02.03.85" sang Tiêu chuẩn Việt Nam TCXDVN...:2011 được thực hiện trên cơ sở trung thành với nội dung bản gốc, lược bớt những điều không phù hợp với điều kiện Việt Nam. Do những ưu việt của TCXDVN...:2011 được cập nhật những nội dung mới nhất của SP 24.13330.2011 "SNiP 2.02.03.85", nhóm tác giả tin tưởng tiêu chuẩn này sẽ làm cơ sở tốt giúp cho công tác thiết kế móng cọc ở nước ta giải quyết được nhiều vấn đề thực tế đặt ra. Nội dung chính của tiêu chuẩn gồm: Phạm vi ứng dụng; các tài liệu trích dẫn; phần giải thích các thhuật ngữ, định nghĩa; nguyên tắc chung; khảo sát địa hình; các loại cọc và thiết kế móng cọc. Phần thiết kế móng cọc được cụ thể hóa với những chỉ dẫn cơ bản về tính toán, các phương pháp xác định sức chịu tải của cọc; đặc điểm thiết kế móng cọc kích thước lớn và dài dạng tấm; yêu cầu về cấu tạo móng cọc; thiết kế móng cọc trong những vùng địa hình khác nhau (casto, địa hình sụt lún, đất khai mỏ...).

Các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đều đánh giá đây là một tài liệu chuyển dịch tốt, về cơ bản bám sát nội dung; tuy nhiên một số vấn đề cần lược bớt cho phù hợp hơn với thực tế xây dựng của nước ta (thiết kế móng cọc trong điều kiện vùng đất đóng băng vĩnh cửu, một số phương pháp đóng cọc không có tại Việt Nam...). Các thành viên Hội đồng cũng thảo luận cùng nhóm tác giả về việc Việt hóa một số câu chữ, thuật ngữ trong tài liệu chuyển dịch để tài liệu dễ hiểu, rõ ràng và mạch lạc hơn.

Phát biểu kết luận cuộc họp, TS. Nguyễn Trung Hòa hoàn toàn nhất trí với các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, đề nghị nhóm tác giả nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện Tiêu chuẩn và Hướng dẫn thực hiện đi kèm nội dung tiêu chuẩn trong tháng 12/2012, để Tiêu chuẩn sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu thực tế của ngành Xây dựng nước ta hiện nay.

Đề tài đã được nghiệm thu với kết quả xếp loại Khá.

Lệ Minh
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)