Hội nghị thẩm định Quy hoạch xây dựng vùng Trung du miền núi Bắc bộ đến năm 2030

Thứ sáu, 31/08/2012 16:42
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng ngày 31/8/2012 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị thẩm định Đồ án quy hoạch xây dựng vùng Trung du Miền núi Bắc bộ đến năm 2030. Đồng chí Trịnh Đình Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng phát biểu kết luận Hội nghị

Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo đại diện của Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, các Bộ, ngành có liên quan, các Cục, Vụ chức năng của Bộ Xây dựng, các Hội, Hiệp hội chuyên ngành; lãnh đạo và đại diện các cơ quan chuyên môn của 14 tỉnh nằm trong khu vực nghiên cứu của Đồ án.

Theo báo cáo của Viện Kiến trúc - Quy hoạch đô thị và nông thôn (VIAP) - đơn vị tư vấn lập Đồ án, thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và Miền núi Bắc bộ (TDMNBB) và Quyết định số 79/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, Bộ Xây dựng đã tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng TDMNBB, phạm vi nghiên cứu gồm các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn Lai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình và các huyện phía Tây hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Đồ án kế thừa và tổng hợp kết quả nghiên cứu của các Đồ án: Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Trung và Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Lào đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nội dung chính của Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng TDMNBB bao gồm: Dự báo, phát triển mạng lưới đô thị vùng TDMNBB đến năm 2030; Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tạo động lực phát triển vùng và quốc gia gắn với đô thị; Đề xuất các chương trình, dự án ưu tiên giai đoạn đến năm 2020.

Toàn cảnh Hội nghị

Đồ án đã lồng ghép và khớp nối các quy hoạch chuyên ngành phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, giao thông, thủy lợi, điện khu công nghiệp, kinh tế - thương mại, du lịch, trường học, bệnh viện, công trình văn hóa - thể thao, các vùng chuyên canh nông nghiệp, lâm nghiệp...) do các Bộ, ngành Trung ương thực hiện và các quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn của 16 tỉnh trong vùng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW. Đồng thời Đồ án còn cụ thể hóa Quyết định số 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

Sau khi nghe đơn vị tư vấn báo cáo tóm tắt các nội dung chính của Đồ án, Hội đồng thẩm định đã nghe 02 báo cáo phản biện về định hướng phát triển không gian và định hướng phát triển kết cấu hạ tầng của Vùng cũng như ý kiến đóng góp của các tỉnh và các thành viên của Hội đồng.

Nhìn chung các báo cáo phản biện đều đánh giá Đồ án đã được nghiên cứu và biên soạn công phu, khối lượng công việc lớn, nội dung phong phú, bám sát Nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên bên cạnh đó, Đồ án cũng cần bổ sung thêm những đánh giá tổng quát hơn về quá trình phát triển kinh tế của Vùng trong thời gian qua, những thách thức và rủi ro tiềm năng do tác động của ngoại Vùng, phân tích rõ hơn sự chênh lệch về tỷ lệ đô thị hóa giữa Vùng với các vùng khác trong cả nước, đề xuất thêm các giải pháp bảo vệ tài nguyên rừng, nguồn nước và môi trường, bổ sung quy chế quản lý Quy hoạch Vùng...Đại diện lãnh đạo các địa phương cũng đóng góp thêm về việc cập nhật các số liệu mới về phát triển kinh tế xã hội, các dự án đang triển khai cũng như tiềm năng và thế mạnh của các địa phương trong Vùng.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đồng tình với những nhận xét của các báo cáo phản biện và các ý kiến phát biểu của các tỉnh cũng như các thành viên Hội đồng và đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu và cập nhật vào Đồ án. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, sự phát triển của vùng TDMNBB không chỉ có ý nghĩa về kinh tế xã hội mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh. Vùng TDMNBB có diện tích lớn, chiếm 1/3 diện tích đất của toàn quốc, là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, khoáng sản, dịch vụ du lịch, kinh tế cửa khẩu, kinh tế đối ngoại, có bản sắc văn hóa dân tộc phong phú, đặc sắc của các dân tộc, là vùng có ý nghĩa quyết định đối với môi trường khu vực Bắc bộ. Trong những năm qua, Vùng TDMNBB luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thể hiện qua các chính sách xóa đói, giảm nghèo, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các chương trình, dự án đầu tư phát triển, nhờ đó, Vùng đã có bước phát triển quan trọng về kinh tế- xã hội, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, góp phần ổn định kinh tế, ổn định chính trị, quốc phòng và an ninh của cả nước.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Đồ án quy hoạch vùng TDMNBB đã cơ bản đáp ứng các nội dung và yêu cầu đề ra, được đơn vị tư vấn thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm, công phu và khoa học. Bộ trưởng lưu ý đơn vị tư vấn lập quy hoạch cần tiếp tục phối hợp với các địa phương trong Vùng và Ban Chỉ đạo Tây Bắc đề rà soát, cập nhật thông tin mới vào Đồ án, nhanh chóng hoàn chỉnh Đồ án để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 

Minh Tuấn
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)