Tham dự hội thảo có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo và cán bộ Cục phát triển đô thị, các chuyên gia đến từ các nước Anh, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…, chuyên gia Ban đô thị Ngân hàng thế giới, chuyên gia của tổ chức DAAD cùng các chuyên gia trong nước, các thành viên diễn đàn đô thị Việt Nam và đại diện nhiều Bộ, ban ngành, cơ quan, doanh nghiệp trung ương và địa phương, các trường đại học có liên quan.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh những thành tựu của Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng. Bộ trưởng cho biết, Việt Nam hiện có 760 đô thị loại V trở lên (trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 11 đô thị loại I, 11 đô thị loại II, 47 đô thị loại III và 54 đô thị loại IV), tỉ lệ đô thị hóa đạt 31% (dự kiến đạt 40% trong 10 năm tới). Đô thị đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế, đóng góp hơn 70% GDP của đất nước. Tuy nhiên, trong phát triển đô thị còn nhiều tồn tại như sự hình thành và phát triển đô thị còn thiếu kiểm soát, phát triển đô thị mất cân đối, hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ, triển khai dự án đầu tư phát triển đô thị dàn trải chưa theo quy hoạch, quản lý khai thác sử dụng đất xây dựng đô thị chưa hiệu quả, kiến trúc, cảnh quan đô thị còn lộn xộn, và đặc biệt hệ thống pháp luật về đô thị của Việt Nam còn vừa thiếu, vừa thiếu đồng bộ. Do đó, cần tập trung xây dựng thể chế, hoàn thiện xây dựng hệ thống pháp luật đô thị, điều chỉnh các mối quan hệ, các đối tượng liên quan đến đầu tư phát triển đô thị.
Tại buổi hội thảo, ông Đỗ Viết Chiến, Phó Cục trưởng Cục phát triển đô thị, thay mặt tổ biên tập soạn thảo Luật đô thị, đã giới thiệu sơ lược về Dự thảo Luật đô thị bao gồm 10 chương: Những quy định chung, Định hướng phát triển đô thị, Hình thành và phân loại đô thị, Đầu tư xây dựng và cải tạo tái thiết đô thị, Quản lý sử dụng đất đô thị, Quản lý không gian cảnh quan, kiến trúc đô thị, Phát triển hạ tầng đô thị, Xử lý vi phạm và Điều khoản thi hành.
Buổi hội thảo đã nhận được nhiều chia sẻ từ các chuyên gia về kinh nghiệm quy hoạch và phát triển đô thị tại CHLB Đức, kinh nghiệm quản lý đô thị theo Luật quy hoạch và phát triển đô thị tại Hàn Quốc, Nhật Bản, kinh nghiệm phát triển đô thị trên cơ sở Luật quy hoạch đô thị tại Anh.
Ghi nhận những kinh nghiệm quý báu của chuyên gia các nước bạn, bà Trần Thị Lan Anh, trưởng phòng Quản lý đô thị, Cục phát triển đô thị, đã trình bày những bài học, những đúc rút cũng như những nội dung cần học tập quy định trong Luật đô thị Việt Nam như việc hình thành, mở rộng phát triển đô thị cần phải gắn với quy hoạch không gian lãnh thổ, năng lực tài chính – vốn và bộ máy quản lý hành chính phải phù hợp với phân cấp và phân loại đô thị; phân công trách nhiệm quản trị đô thị và quản lý vận hành, khai thác, phát triển đô thị; điều tiết những tồn tại; thúc đẩy các hoạt động quy hoạch đô thị…
Các chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp đã thảo luận về dự thảo Luật đô thị, đặc biệt là những quy định liên quan tới những vấn đề được xem là “vấn nạn đô thị” hiện nay như không gian, cảnh quan đô thị, ô nhiễm môi trường, ngập úng trong đô thị…
Kết thúc hội thảo, bà Phan Thị Mỹ Linh, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, đã cám ơn những chia sẻ, đóng góp chân thành, thiết thực của các chuyên gia, đại biểu tham dự hội nghị, đồng thời cam kết sẽ điều chỉnh, sửa đổi, hoàn thiện dự thảo Luật đô thị để trình Thủ tướng trong thời gian sớm nhất.
Thu Huyền