Ngày 25/12/2020, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng tổ chức cuộc họp đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học công nghệ “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất các nội dung liên quan đến công tác quản lý, sử dụng giàn giáo trong thi công xây dựng công trình”.Chủ tịch Hội đồng - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Lê Minh Long chủ trì cuộc họp.
Bảo vệ đề tài trước Hội đồng, thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Nguyễn Tuấn Ngọc Tú cho biết: “Những năm gần đây, vấn đề an toàn lao động trong thi công xây dựng tuy đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, song vẫn còn một số dự án, công trình thi công xây dựng chưa đảm bảo an toàn, để xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn đời sống xã hội. Theo số liệu thống kê của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, tỷ lệ số vụ tai nạn xảy ra trong lĩnh vực xây dựng trong các năm 2016 và 2017 lần lượt là 23,8% và 25,8%. Con số này tuy có giảm so với những năm trước (2014 là 33,1%; 2015 là 35,2%), nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao so với số vụ tai nạn xảy ra trong các lĩnh vực, ngành nghề khác”
Đề tài trích dẫn số liệu báo cáo tổng hợp trong năm 2017 từ các Sở Xây dựng tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho kết quả: “số vụ tai nạn xảy ra trong thi công xây dựng trên phạm vi toàn quốc do máy, thiết bị là 57 vụ, bằng với tổng số vụ tai nại xảy ra do sự cố công trình, do người lao động và do nguyên nhân khác. Trong đó, số vụ tai nạn do nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp từ giàn giáo sử dụng trong thi công công trình chiếm khoảng 40%”. Đề tài cũng dẫn chứng một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng liên quan đến giàn giáo xảy ra trong trong những năm vừa qua, ở nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh.
ThS. Nguyễn Tuấn Ngọc Tú cho biết, để giảm thiểu số vụ tai nạn lao động trong thi công xây dựng công trình cần có các biện pháp hữu hiệu hơn nữa nhằm đảm bảo an toàn trong công tác quản lý, khai thác sử dụng hệ giàn giáo dùng trong xây dựng. Do đó, việc thực hiện đề tài là đặc biệt cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn cao.
Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra, khảo sát hoạt động thực tiễn của 102 tổ chức (trong đó có 78 tổ chức đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và 24 tổ chức đã được Bộ Xây dựng cấp chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động); đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình tại một số địa phương làm căn cứ đề xuất các chỉ tiêu kỹ thuật, điều kiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề tài đề xuất Chương trình khung đào tạo và tài liệu giảng dạy về an toàn, vệ sinh lao động trong xây dựng cho công nhân xây dựng và các đối tượng có liên quan, nhằm cung cấp cho người học hệ thống kiến thức về kỹ thuật và quản lý an toàn và sức khỏe lao động trong hoạt động thi công xây dựng. Chương trình đồng thời giúp người học phát triển kỹ năng đánh giá các nguy cơ mất an toàn và sức khỏe của người lao động trên công trường cũng như kỹ năng xác định các nguyên nhân gây tai nạn và triển khai các biện pháp kiểm soát rủi ro về an toàn và sức khỏe lao động trong suốt quá trình thiết kế và thực hiện dự án xây dựng.
Đối với các trường cao đẳng, đại học thuộc ngành Xây dựng, đề tài đề xuất nội dung đào tạo an toàn vệ sinh lao động như sau: bên cạnh kiến thức lý thuyết về kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động, cần trang bị kiến thức về thiết kế - tổ chức và kiểm tra - quản lý an toàn vệ sinh lao động cho sinh viên; cần có giải pháp đào tạo để nâng cao kỹ năng an toàn vệ sinh lao động cho sinh viên, đặc biệt kỹ năng phân tích, nhận diện nguy cơ xảy ra mất an toàn lao động hay sự cố; chương trình đào tạo an toàn vệ sinh lao động cần chú trọng phát triển nhận thức về an toàn vệ sinh lao động cho sinh viên; kiến thức, kỹ năng và ý thức đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cần được tích hợp giảng dạy và đào tạo trong nhiều môn học chuyên ngành khác nhau, nhằm tạo tính kế thừa và có hệ thống trong việc nâng cao kiến thức, nhận thức đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho sinh viên, trước khi các em tốt nghiệp và tham gia lao động trên công trường.
Tại cuộc họp, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng đánh giá cao tính cấp thiết của đề tài, đồng thời ghi nhận sự nỗ lực, đầu tư về thời gian và công sức của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Theo Hội đồng đánh giá, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ các sản phẩm đề tài theo hợp đồng và đảm bảo chất lượng. Hồ sơ nghiệm thu đề tài tuân thủ đúng trình tự thủ tục theo quy định. Các báo cáo tổng kết có hàm lượng thông tin phong phú, số liệu có tính tin cậy cao, đưa ra được bức tranh tổng quan tình hình mất an toàn lao động trong thi công công trình xây dựng liên quan đến giàn giáo, đồng thời đề xuất được Chương trình khung đào tạo và tài liệu giảng dạy về an toàn, vệ sinh lao động trong xây dựng cho công nhân xây dựng và các đối tượng có liên quan, trong đó có sự lồng ghép vào nội dung đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học thuộc ngành Xây dựng.
Nhằm nâng cao chất lượng báo cáo tổng kết và các sản phẩm đề tài, Hội đồng đã đóng góp một số ý kiến chuyên môn để nhóm nghiên cứu tiếp thu và chỉnh sửa, trong đó chú ý rà soát, biên tập nội dung Chương trình khung đào tạo và tài liệu giảng dạy đảm bảo ngắn gọn, súc tích hơn, đồng thời chỉnh sửa các lỗi chế bản, lỗi đánh máy.
Kết luận cuộc họp, Phó Vụ trưởng Lê Minh Long đề nghị nhóm nghiên cứu xem xét, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các chuyên gia thành viên Hội đồng, sớm hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm đề tài, trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.
Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu đề tài khoa học công nghệ do nhóm nghiên cứu thuộc Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng thực hiện, với kết quả đạt loại Khá.