Ông Nguyễn Thanh Dương – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, ông Hầu A Lềnh – Bí thư Huyện ủy Sa Pa, đại diện các Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nội Vụ, Bộ Văn hóa, thể thao & du lịch, Tổng hội Xây dựng, Hiệp hội đô thị Việt Nam… đã dự hội nghị.
Từ nhiều năm qua, thị trấn Sa Pa đã được tỉnh và huyện tập trung các nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; đồng thời thống nhất việc quản lý trên địa bàn nhằm giữ gìn các nét đẹp của Sa Pa và mục tiêu phát triển bền vững. Trong 5 năm (2005 - 2010), toàn huyện đã có 363 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 4.600 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã có trên 268 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, dịch vụ lưu trú với hơn 2.200 phòng nghỉ, doanh thu từ du lịch năm 2011 đạt 400 tỷ đồng với hơn nửa triệu khách du lịch đến Sa Pa. Cơ cấu nông nghiệp, nông thôn cũng có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tập trung vào các sản phẩm đặc hữu như rau an toàn, hoa cao cấp, cá hồi… tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao; phát triển tiểu thủ công nghiệp với nhiều làng nghề, ngành nghề truyền thống như: Thêu dệt thổ cẩm, chạm khắc bạc, khắc đá… để tạo ra nhiều sản phẩm phong phú phục vụ thị trường du lịch. Thu nhập bình quân của Sa Pa đạt khoảng 28,6 triệu đ/người/năm, cao gấp 1,06 lần thu nhập bình quân đầu người của cả nước.
Đặc biệt, tháng 4/2012, UBND tỉnh Lào Cai công bố Quy hoạch đô thị du lịch Sa Pa với diện tích lớn gấp đôi hiện nay (khoảng 4.637ha), chưa kể vùng phụ cận mở rộng tới 9 xã ngoại vi (khoảng 35 nghìn ha). Theo đó, đô thị du lịch Sa Pa sẽ gồm 9 phân khu chức năng: KĐT trung tâm, KĐTM Ô Quý Hồ, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu du lịch núi Hàm Rồng, khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, khu nông nghiệp sinh thái cảnh quan, khu sản xuất nông nghiệp đặc hữu, khu lâm viên và khu rừng bảo tồn. Đô thị Sa Pa mới có năm vùng du lịch, phát triển trên cơ sở các không gian du lịch đặc trưng, gồm vùng du lịch đô thị cổ, vùng du lịch di sản gắn với cảnh quan sinh thái nông nghiệp, vùng du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc, vùng du lịch khám phá cảnh quan sinh thái nguyên sinh (Fansipan)... Ngoài ra, còn phát triển mạng lưới điểm, tuyến du lịch liên kết, bổ trợ lẫn nhau, tạo sự đa dạng, phong phú, hấp dẫn của vùng du lịch đặc hữu, đạt tiêu chuẩn tầm cỡ quốc tế.
Tại hội nghị, các thành viên hội đồng thẩm định đều đánh giá cao báo cáo của Sa Pa và cho rằng đây là một đô thị có rất nhiều cơ hội để phát triển và có định hướng đúng, thị trấn Sa Pa xứng đáng nâng cấp lên đô thị loại IV. Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Lao Cai và huyện Sa Pa quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng quy hoạch phân khu chức năng; Nghiên cứu và xây dựng các chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế trong xã hội xây dựng các Trung tâm thương mại lớn, công viên...; Nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau khi nghe báo cáo đề án và ý kiến của đại diện các bộ, ngành TW, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhận định: Đề án nâng cấp Sa Pa mở rộng lên đô thị loại IV hoàn toàn phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển đô thị du lịch Sa Pa cấp Quốc gia và quốc tế. Đồng thời phù hợp với các định hướng quy hoạch của Chính phủ và vùng biên giới Việt – Trung. Từ đó, tạo cơ sở, định hướng xây dựng cơ chế chính sách, tạo động lực mới để phát triển sâu rộng hơn cũng như tạo điều kiện xây dựng tiền đề vững chắc cho vùng biên giới phía Bắc.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng lưu ý khi đã được lên đô thị loại IV, Sa Pa cần đặc biệt quan tâm và quyết liệt chỉ đạo để nâng cấp đô thị cao hơn nữa. Chú trọng vào công tác quản lý đô thị; bảo vệ môi trường cảnh quan; xây dựng và thực hiện tốt hơn Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc cảnh quan, an ninh, quốc phòng…
Hội đồng đã thống nhất thị trấn Sa Pa đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, với 19 phiếu tán thành và tổng số điểm trung bình là 84,4 điểm.
Theo : Báo Xây dựng điện tử