Để có căn cứ bảo tồn hàng trăm biệt thự cổ có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hoá, Hà Nội đã hoàn thành việc phân loại biệt thự thành bốn loại. Cụ thể, loại 1 là biệt thự có giá trị đặc biệt về văn hoá, kiến trúc, lịch sử, có quy mô lớn, vị trí đẹp, sân vườn còn nguyên bản; loại 2, biệt thự có vị trí đẹp, có giá trị về văn hóa, kiến trúc nhưng ít nhiều đã bị biến dạng, xuống cấp nhưng cần bảo tồn. Loại 3 là các biệt thự có giá trị trung bình, còn giữ được hình dạng ban đầu, nhưng đã bị sửa chữa, lấn chiếm hoặc cải tạo một phần, có thể xem xét một số biệt thự để chỉnh trang, bảo tồn. Loại 4 là các biệt thự đã bị phá bỏ, xây mới, hư hại nghiêm trọng hoặc đã bị biến dạng hoàn toàn về kiến trúc.
Ông Hoàng Tú, Trưởng ban 61, Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo: Hiện toàn Hà Nội có 562 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, 1.024 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, 42 biệt thự ở Trung tâm chính trị Ba Đình không được phép tư nhân hoá. Và cũng chỉ còn một số ít biệt thự do cơ quan nhà nước và tư nhân (một hộ) quản lý giữ được nguyên vẹn. Số biệt thự còn lại đã bị xuống cấp, biến dạng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết: Có thể thấy rằng hiện Hà Nội là địa phương có nhiều biệt thự cổ có giá trị về kiến trúc, văn hoá nhất. Tuy nhiên sau nhiều năm, đến nay rất nhiều biệt thự đẹp đã bị biến dạng về hình thể và xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy nhiệm vụ của những cơ quan quản lý Nhà nước phải làm sao xây dựng được một quy chế quản lý cho linh hoạt, thiết thực góp phần bảo tồn, gìn giữ những giá trị kiến trúc của các biệt thự cổ.
Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho rằng: Ngoài những quy chế quản lý về biệt thự cổ, thì chúng ta cũng phải quan tâm đến những biệt thự cổ hiện đang được dùng làm công sở. Bởi từ trước đến nay rất nhiều biệt thự đang được dùng làm công sở có nhiều giá trị về mặt di sản nhưng vẫn chưa có những chế tài quản lý chặt chẽ. Về vấn đề này, sắp tới Bộ cũng sẽ có ý kiến với Chính phủ về việc xây dựng những quy chế về việc bảo tồn đối với nhưng biệt thự có giá trị lớn về mặt kiến trúc, văn hoá hiện đang được dùng làm công sở hiện nay.
Theo : Báo Xây dựng điện tử