Về đề tài mã RD 18-12, Th.S Phạm Xuân Điều cho biết: Qua điều tra khảo sát, hầu hết HSSV các trường có đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng sau khi ra trường, đi làm tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đều rất bỡ ngỡ khi tiếp xúc, làm việc với các luật và VBPL liên quan tới hoạt động xây dựng. Cho tới nay, chưa có một trường nào có đề cương chi tiết môn Pháp luật Xây dựng. Tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập bộ môn này đều là tài liệu lồng ghép, do giáo viên tự biên soạn và sử dụng nội bộ. Xuất phát từ thực tế nêu trên, việc xây dựng đề cương chi tiết bộ môn là vô cùng cần thiết, để có thể tổng hợp thành giáo trình chung áp dụng cho tất cả các trường trong ngành. Với mục tiêu gúp HSSV nắm được hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng từ cấp TW đến địa phương; hiểu được nội dung cơ bản về QLNN trong xây dựng, và hệ thống VBPL về đầu tư xây dựng; hiểu các yêu cầu, nội dung cơ bản của một đồ án quy hoạch xây dựng hay một dự án đầu tư xây dựng công trình cũng như các biện pháp xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng; nhóm đề tài đã xây dựng đề cương chi tiết môn Pháp luật Xây dựng gồm 2 học phần, 30 tiết trong đó có 26 tiết lý thuyết, 01 tiết kiểm tra và 03 tiết thảo luận.
Trình bày sự cần thiết, tóm tắt nội dung và phương pháp thực hiện đề tài mã RD 16-12, TS. Trần Đăng Quế nhấn mạnh: Môn Kỹ thuật thi công là một môn chuyên ngành trong chương trình đào tạo hệ TCCN xây dựng dân dụng & công nghiệp. Tuy vậy, việc giảng dạy môn này hiện nay còn nhiều bất cập, tài liệu giảng dạy chưa cập nhật, các giáo trình phần lớn mang tính hàn lâm, thiếu phần thực hành nghề nghiệp. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, áp dụng các phương pháp trực quan, sinh động hơn, tạo sự hứng thú trong học tập cho HSSV, đề tài “Nghiên cứu xây dựng bài giảng môn Kỹ thuật thi công hệ TCCN ngành Xây dựng dân dụng & công nghiệp theo phương pháp mô hình hóa” rất kịp thời và cần thiết. Sản phẩm của đề tài là các hình ảnh 3D được vẽ bằng phần mềm Sketchup, giúp giáo viên có thể chiếu hình ảnh các công tác thi công theo các hướng nhìn khác nhau, qua đó giúp sinh viên dễ dàng hình dung và tiếp thu kiến thức hơn.
Các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đều đánh giá cao tính thực tiễn, tính khoa học của cả 2 đề tài. Để các đề tài hoàn chỉnh và mang tính ứng dụng cao, đáp ứng tốt nhất mục tiêu đào tạo của hệ TCCN & cao đẳng chuyên ngành, Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực về nội dung, thời lượng một số môn học; tăng thời gian thực hành, tăng nội dung tự học ở nhà. Về đề tài mã RD 16-12, các thành viên Hội đồng đánh giá rất cao sự mạnh dạn đổi mới tư duy giảng dạy của nhóm tác giả, đồng thời góp ý để nhóm nghiên cứu đưa các hình ảnh thực tế vào bài giảng, khi đó bài học sẽ sinh động và thiết thực hơn.
Tổng hợp các ý kiến của Hội đồng, TS. Nguyễn Trung Hòa đề nghị các nhóm đề tài hoàn thiện các số liệu điều tra, rà soát nội dung các chương trình cho phù hợp đối tượng đào tạo. TS. Hòa cũng lưu ý các nhóm đề tài chỉnh sửa sản phẩm theo ý kiến đóng góp của Hội đồng, trình Bộ sớm xem xét trước khi thông qua.
Hai đề tài đã được nhất trí nghiệm thu với kết quả xếp loại Khá cho đề tài mã số RD 18-12 và loại Xuất sắc cho đề tài mã số RD 16-12.
Phòng TT-TL