Theo báo cáo của Ths. KTS. Vũ Đình Thành - chủ nhiệm đề tài – trong nghệ thuật kiến trúc và xây dựng từ thời xa xưa, cha ông chúng ta đã biết sử dụng và kết hợp các loại vật liệu xây dựng truyền thống (đất, gỗ, tre, đá...) một cách tài tình, tạo nên những công trình độc đáo, giá trị. Thông qua nghiên cứu VLXDTT, chúng ta sẽ hiểu sâu sắc hơn trình độ, kỹ thuật xây dựng và sử dụng vật liệu của những thế hệ đi trước. Việc nghiên cứu VLXDTT trong bối cảnh nền công nghiệp xây dựng hiện đại càng cần thiết hơn, đặc biệt đối với công tác trùng tu bảo tồn di tích, bởi vì việc sử dụng VLXDTT một cách tùy tiện, không đúng chủng loại, vị trí đã làm sai lệch rất nhiều di tích của chúng ta hiện nay. Hơn nữa, xu hướng phát triển của xây dựng hiện nay và trong tương lai là xây dựng xanh, xây dựng an toàn sinh thái, nghĩa là vai trò của VLXDTT - loại vật liệu gần gũi thiên nhiên, thân thiện môi trường - một lần nữa lại được đề cao. Đề tài với mục tiêu đánh giá hiệu quả của VLXDTT, từ đó đề xuất các nguyên tắc, hướng dẫn sử dụng và thiết kế; khai thác, kế thừa kiến trúc truyền thống nhằm phát triển xu hướng kiến trúc xanh đã hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu thực tế đó. Qua khảo sát việc sử dụng VLXDTT trong kiến trúc truyền thống và nghiên cứu tính chất đặc điểm của từng loại VLXDTT, việc áp dụng từng loại vật liệu vào vị trí công trình; nhóm tác giả đã phân tích tổng hợp và đánh giá được hiệu quả sử dụng VLXDTT trong các công trình kiến trúc cổ và một số công trình kiến trúc hiện đại tiêu biểu, đồng thời đề xuất phương pháp sử dụng VLXDTT cho các công trình trùng tu và công trình xây dựng mới.
Các báo cáo phản biện và ý kiến của thành viên Hội đồng đều nhất trí đánh giá cao tính thực tế, tính khoa học của đề tài, thể hiện sự nghiêm túc của nhóm tác giả trong quá trình làm đề tài. Để phạm vi áp dụng của đề tài rộng rãi hơn, tính thực tiễn cao hơn, các thành viên Hội đồng đã thảo luận và đóng góp một số ý kiến về bố cục; cách dùng thuật ngữ; về nội dung đề tài (bổ sung thêm đánh giá hiệu quả sử dụng VLXDTT song song áp dụng công nghệ hiện đại, sử dụng VLXDTT kết hợp với VLXD hiện đại; nghiên cứu thêm các tiêu chí phân loại VLXDTT theo vùng miền, theo tính chất cơ – lý chứ không chỉ giới hạn trong 5 loại đất, gỗ, đá, thảo mộc và tre, vật liệu hỗn hợp đề tài nêu ra).
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu – TS. Nguyễn Trung Hòa bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến phản biện và góp ý của các thành viên Hội đồng; đề nghị nhóm tác giả dựa vào các nghiên cứu đánh giá đưa ra những kiến nghị xác đáng, có định hướng và phù hợp với thực tế xây dựng của Việt Nam; xác định rõ điều kiện áp dụng VLXDTT ( cần có giới hạn, không nên ứng dụng quá phổ biến vì đây là vấn đề liên quan mật thiết với bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, gìn giữ các giá trị văn hóa). TS. Nguyễn Trung Hoà cũng lưu ý nhóm tác giả nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp, bổ sung hoàn chỉnh đề tài trước tháng 10/2012 để Bộ sớm công bố và ban hành.
Đề tài đã được nghiệm thu với kết quả xếp loại Khá.
Lệ Minh