Ngày 16/9/2020, Hội đồng Khoa học công nghệ chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tổ chức họp nghiệm thu 02 dự thảo tiêu chuẩn do Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) chủ trì thực hiện, bao gồm: 1) Dự thảo tiêu chuẩn: Cọc – Phương pháp thí nghiệm tại hiện trường bằng tải trọng tĩnh đẩy ngang, mã số TC 118-17; 2) Dự thảo tiêu chuẩn: Móng cần trục tháp – Thiết kế, thi công và nghiệm thu, mã số TC 120-17. Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, TS. Lê Minh Long – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh 2 cuộc họp Hội đồng nghiệm thu
Tại Hội đồng, KS. Phạm Hồng Dương chủ trì nhóm biên soạn dự thảo: Cọc – Phương pháp thí nghiệm tại hiện trường bằng tải trọng tĩnh đẩy ngang đã báo cáo thuyết minh dự thảo. Theo đó, trong thực tế xây dựng hiện nay, bên cạnh các thí nghiệm hiện trường đánh giá khả năng làm việc của cọc như thí nghiệm nén tĩnh, siêu âm, PIT, PDA… thí nghiệm xác định khả năng chịu tải trọng tĩnh nằm ngang của cọc đã được yêu cầu thực hiện ở rất nhiều công trình tại Việt Nam. Việc thực hiện thí nghiệm này cho đến nay vẫn đang vận dụng các tiêu chuẩn của nước ngoài, điển hình là tiêu chuẩn ASTM D3966-07 của Mỹ. Việc xác định sức chịu tải ngang của cọc là rất cần thiết đối với thiết kế móng (cọc) các công trình chịu tải trọng ngang lớn, công trình trụ cầu, cầu cảng, kè… Mặc dù các tiêu chuẩn nước ngoài đã được áp dụng khi thiết lập yêu cầu, đề cương thí nghiệm cọc chịu tải trọng đẩy ngang, nhưng việc chuẩn hóa thí nghiệm này bằng một tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) chính thức sẽ giúp cho việc vận dụng các nội dung thí nghiệm được thuận lợi hơn, và phù hợp hơn với những điều kiện xây dựng và điều kiện thí nghiệm trong nước.
Tiêu chuẩn “Cọc – Phương pháp thí nghiệm hiện trường bằng tải trọng tĩnh nằm ngang” được nhóm tác giả biên soạn dựa trên cơ sở tiêu chuẩn thực hành của Mỹ ASTM D3966-07 – Standard test method for deep foundation under lateral load. Tiêu chuẩn gốc là một tài liệu kỹ thuật có những chỉ dẫn rất chi tiết và rõ ràng về công tác thí nghiệm xác định sức chịu tải ngang của cọc với nhiều phương án thí nghiệm tương thích với các dạng tải trọng ngang thực tế tác dụng lên công trình. Các phương pháp gia tải cũng như những phương pháp đo chuyển vị của cọc trong quá trình thí nghiệm cũng được chỉ dẫn. Trong quá trình biên soạn, nhóm tác giả đã lược bỏ những nội dung không cần thiết hoặc không phù hợp với quy trình quản lý chất lượng xây dựng của Việt Nam đồng thời làm rõ và chi tiết hơn những nội dung giữ lại của tiêu chuẩn gốc.
Tiêu chuẩn có nội dung bao gồm đầy đủ các thông tin, yêu cầu kỹ thuật, quy định về kiểm soát chất lượng và kiểm soát quy trình thí nghiệm cọc tại hiện trường bằng tải trọng ngang với 12 mục và 8 phụ lục.
Nhận xét về dự thảo tiêu chuẩn “Cọc – Phương pháp thí nghiệm hiện trường bằng tải trọng tĩnh nằm ngang”, các thành viên Hội đồng đánh giá, dự thảo được biên soạn tương đối rõ ràng dễ hiểu và sát nghĩa với văn bản gốc tiếng Anh. Tuy nhiên vẫn có một số nội dung cần làm rõ nghĩa hơn và cần chỉnh sửa trong dự thảo.
Đối với Dự thảo TCVN “Móng cần trục tháp – Thiết kế, thi công và nghiệm thu”, TS.Trần Toàn Thắng, chủ trì nhóm biên soạn cho biết, cần trục tháp ( cẩu tháp) là loại thiết bị không thể thiếu trong việc xây dựng các công trình có độ cao lớn, là thiết bị hỗ trợ xây dựng, giúp vận chuyển vật liệu với khối lượng lớn lên cao một cách nhanh chóng và tiết kiệm thời gian. Hiện nay, trong nước các tài liệu về thiết kế chế tạo và vận hành an toàn cần trục tháp khá đầy đủ, tuy nhiên tài liệu hướng dẫn/tiêu chuẩn về thiết kế xây dựng chuyên biệt móng cần trục tháp là chưa có. Điều này dẫn đến việc các kỹ sư thường dựa trên kinh nghiệm để thiết kế gây khó khăn trong công tác thiết kế và tốn kém chi phí. Vì vậy, tiêu chuẩn “Móng cần trục tháp – Thiết kế, thi công và nghiệm thu” ra đời sẽ là một tài liệu quan trọng giúp các kỹ sư thiết kế rà soát lại cho đầy đủ các bước thiết kế nhằm đảm bảo an toàn cho việc vận hành thiết bị này.
Dự thảo Tiêu chuẩn “Móng cần trục tháp – Thiết kế, thi công và nghiệm thu” được biên soạn dựa trên các tài liệu tiêu chuẩn của Trung Quốc “JGJ/T 187-2009 Technical specification for concrete foundation engineering of tower cranes” và “JGJ/T 301-2013 Technical specification for concrete foundation engineering of large tower cranes”.
Dự thảo tiêu chuẩn “Móng cần trục tháp – Thiết kế, thi công và nghiệm thu” được áp dụng để thiết kế, thi công và nghiệm thu móng bê tông cốt thép của cần trục tháp (TCVN 8242-3: 2009) có thân tháp quay hoặc không quay, có cần nâng hạ hoặc nằm ngang, đặt cố định (tĩnh tại) phục vụ quá trình thi công xây dựng công trình. Khi thiết kế, thi công và nghiệm thu móng cần trục tháp, ngoài việc tuân thủ tiêu chuẩn này, cần tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn khác có liên quan.
Dự thảo tiêu chuẩn “Móng cần trục tháp – Thiết kế, thi công và nghiệm thu” được Hội đồng đánh giá biên soạn chi tiết, bao gồm trình tự thiết kế cùng các chỉ dẫn cần thiết cho việc thiết kế móng cho cẩu tháp. Về nội dung của dự thảo này, sau khi thảo luận, Hội đồng nghiệm thu thống nhất với nhóm tác giả biên soạn không đưa vào dự thảo phần móng lắp ghép và phần thi công, nghiệm thu của móng cần trục tháp, xem xét lại phần tải trọng gió. Hội đồng cũng thống nhất sửa tên của dự thảo thành “Thiết kế móng cần trục tháp”.
Cả 2 dự thảo tiêu chuẩn TCVN đã được Hội đồng nghiệm thu thông qua, đạt loại Khá.