Dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, đại diện các cơ quan chức năng của Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch, Sở Kiến trúc - quy hoạch Hà Nội, Viện Khảo cổ học Việt Nam, Vụ Kiến trúc – Quy hoạch Bộ Xây dựng.
Theo báo cáo của Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị - nông thôn Bộ Xây dựng - đơn vị lập Quy hoạch Tổng mặt bằng, Quy hoạch được lập với mục tiêu:
- Bảo tồn Khu di tích 18 Hoàng Diệu cùng với Khu Thành cổ trở thành Công viên văn hóa lịch sử ;
- Bảo tồn nguyên trạng các loại hình di tích khảo cổ học đã phát lộ; gìn giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc, lâu dài cho các thế hệ mai sau;
- Phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục, quảng bá văn hóa;
- Xây dựng một không gian văn hóa cộng đồng hài hòa trong tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật với Khu Trung tâm chính trị Ba Đình;
- Hài hòa tổng thể không gian quy hoạch, kiến trúc cảnh quan, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật trong Khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình;
- Làm cơ sở để xây dựng kế hoạch triển khai công tác đầu tư xây dựng và quy chế quản lý Khu di tích;
Với mục tiêu nghiên cứu nêu trên, tư vấn đã tiến hành phân tích tổng thể không gian quy hoạch kiến trúc Khu Trung tâm chính trị Ba Đình, Khu Thành cổ Hà Nội, Nhà Quốc hội; điều tra, khảo sát, đánh giá tổng hợp và toàn diện về hiện trạng các khu khai quật, nghiên cứu đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học; xác định công nghệ và hình thức bảo tồn cùng với các tuyến và chu trình tham quan các khu chức năng.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tư vấn đã đề xuất quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất, quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Đại diện Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị – nông thôn Bộ Xây dựng giới thiệu Quy hoạch tổng mặt bằng khu di tích Hoàng Thành Thăng Long
Các báo cáo phản biện và ý kiến tham gia của các thành viên Hội đồng thẩm định thể hiện sự thống nhất với nội dung của đồ án quy hoạch và cho rằng đây là một công trình được thực hiện công phu, nghiêm túc, khoa học, có tính chuyên nghiệp cao, đã sưu tầm và tham khảo một khối lượng tư liệu lịch sử và khảo cổ phong phú, đã tiếp thu tốt ý kiến đóng góp của các cơ quan liên quan ở trung ương và địa phương, các chuyên gia để hoàn chỉnh đồ án. Các ý kiến cũng đã đóng góp nhằm giúp nhóm tư vấn tiếp tục hoàn chỉnh đồ án trước khi trình phê duyệt.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định cho biết Hội đồng thẩm định đồng tình về cơ bản với nội dung của đồ án cũng như với các ý kiến phản biện và đóng góp của các thành viên Hội đồng tại Hội nghị này, với sự cần thiết của việc lập quy hoạch làm cơ sở cho việc thực hiện các công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị lịch sử và văn hoá của khu di tích.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao nội dung của đồ án mà đã được các chuyên gia thực hiện công phu với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết và cảm ơn sự tham gia tích cực của các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan khác nhau đã góp phần cùng với Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị - nông thôn làm ra một sản phẩm chung.
Bộ trưởng đã chỉ đạo tư vấn tiếp tục hoàn chỉnh đồ án bảo đảm tạo ra tổng thể thống nhất, tính linh hoạt trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, về sự lựa chọn phương án, yêu cầu chặt chẽ của đồ án cũng như sự cần thiết trình bày mạch lạc, rõ ràng hơn và có hướng dẫn cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện; đề nghị tư vần tiếp thu các ý kiến của Hội nghị, coi việc hoàn chỉnh đồ án là công việc trọng tâm, tiến hành đúc rút kinh nghiệm để phục vụ cho việc thực hiện các đồ án bảo tồn di tích lịch sử - văn hoá khác ở nước ta; sau khi hoàn chỉnh đồ án tư vấn cần lấy ý kiến các chuyên gia trước khi trình phê duyệt.
H. Phước